CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) – Khi bàn về phát triển xuất khẩu hàng nông thủy sản, yếu tố quan trọng không chỉ có nắm bắt được thị trường cần loại sản phẩm gì, mà còn là thị trường cần sản phẩm như thế nào, hay nói nôm na là phải hiểu và tuân thủ “luật chơi” do khách hàng đưa ra.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 thángXuất khẩu nông, lâm, thủy sản bốn tháng giảm hơn 13%Chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản phải có mục tiêu là thị trường và thị trường phải là “thị trường tiêu chuẩn”. Trong ảnh: Chế biến chuối xuất khẩu tại một hợp tác xã ở Lâm Đồng. Ảnh: HÙNG LÊCăn bệnh trầm kha của nông sản xuất khẩu Việt Nam là vấn đề an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, dù đã được nêu ra và nhiều giải pháp cũng đã được triển khai từ hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thể bị đẩy lùi.
Giữa tháng 9 vừa qua, nhiều lô hàng sầu riêng, chuối, thanh long… của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (các loài sâu bệnh như rệp sáp), dẫn đến việc 47 mã số vùng trồng các loại trái cây này bị đề nghị thu hồi.
Quyết định xử lý như vậy có thể xem là khá mạnh tay, nhưng không chắc có thể giải quyết được tận gốc vấn nạn này vì thói quen xem thường các quy định về kiểm dịch và an toàn đã trở thành căn bệnh mãn tính của nông nghiệp Việt Nam. Có vẻ như, chúng ta đang cần một cách tiếp cận mới.
Tại Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 29-9-2023, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đưa ra đề nghị chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản phải có mục tiêu là thị trường và thị trường phải là “thị trường tiêu chuẩn”. Thị trường tiêu chuẩn ở đây có nghĩa là nơi cung ứng nguồn nông sản hàng hóa phải đáp ứng một chuẩn mực tối thiểu nào đó mà thị trường yêu cầu.
Đối với nông sản Việt Nam, nếu muốn thực hiện ý tưởng này, đầu tiên phải làm rõ đâu là thị trường tiêu chuẩn và tiếp đó phải xây dựng bộ quy tắc thực hành sản xuất để đạt chất lượng tiêu chuẩn đó.
Tại diễn đàn kể trên, việc khai thác tốt thị trường nội địa đã được nhiều diễn giả đề cập. Chuyện nông sản Việt bị lép vế trên sân nhà, không hẳn do vấn đề chất lượng, mà chủ yếu là do đánh mất niềm tin của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu chọn thị trường nội địa là thị trường tiêu chuẩn, thì phải có biện pháp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, nghĩa là phải giải quyết được vấn nạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…
Nếu chúng ta bảo đảm được những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ “bị trả về”, không được đưa ra bán trên thị trường, thì nông sản Việt Nam mới có cơ hội để chiếm ưu thế trên “sân nhà”. Đây cũng là điều phải làm đối với thị trường xuất khẩu, nếu muốn việc xuất khẩu nông sản phát triển ổn định và bền vững.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Riêng đối với nhóm rau quả, trong năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Vì vậy, để duy trì và phát triển thị trường, ít nhất hàng nông sản của Việt Nam cũng phải đạt được tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc.
Vấn đề khó khăn là làm sao kiểm soát được, để chắc chắn rằng hàng hóa nông sản trước khi xuất đi không có nguy cơ bị “rút thẻ đỏ” vì vi phạm “luật chơi”? Đây trước tiên là thách thức của công tác kiểm tra và giám sát việc thực hành các quy định để được cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi với các loại nông sản.
Tiếp theo là việc quản lý để bảo đảm không có tiêu cực trong vấn đề mã số vùng trồng, vùng nuôi, cả ở khâu đánh giá để cấp mã số lẫn việc bảo đảm hàng hóa xuất đi đích thực được khai thác tại những nơi đã được cấp mã số.
Liên quan tới vấn đề này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, nước xuất khẩu trái cây hàng đầu thế giới, mà sầu riêng là một ví dụ. Thái Lan luôn duy trì ổn định chất lượng quả sầu riêng nhờ đặt ra một tiêu chuẩn quốc gia cho loại quả này.
Cụ thể, sầu riêng thu hoạch phải đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu về hình dáng, màu sắc vỏ, mùi vị, không có sâu bọ hay hư hại, chất lượng múi và phải được hái ở thời điểm thích hợp để có thể chín tự nhiên… Điều quan trọng là các tiêu chuẩn trên được kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt để bảo đảm tính tuân thủ.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong chín tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỉ đô la Mỹ. Dư địa xuất khẩu của nhóm ngành này vẫn rất lớn, thế nên, nếu hóa giải được các tồn tại hiện hữu, chắc chắn nông nghiệp sẽ trở thành trụ đỡ vững vàng cho nền kinh tế.