CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khu công nghiệp khu kinh tế: Thay đổi động lực để phát triển

Invest Global 10:10 12/08/2022

Tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới” do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 11/8, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, những năm gần đây, trung bình hàng năm vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế cho đến nay đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như những dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Hiện nay trên thế giới, các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục được xác định là một mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, các mô hình đang có sự thay đổi về động lực phát triển.

Theo đó, các mô hình truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên công nghệ quản lý tiên tiến, hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên.

khu cong nghiep khu kinh te thay doi dong luc de phat trien Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như những dự án lớn trong và ngoài nước.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc…

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, mặc dù có nhiều thuận lợi, song để biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi phải xúc tiến đầu tư có trọng điểm, thu hút được các dự án công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, phải dỡ bỏ các rào cản để khơi thông dòng chảy đầu tư đó.

Theo phản ánh của các nhà đầu tư, những vướng mắc chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài, cũng như các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, câu chuyện nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế… cũng là những vấn đề cần sớm được xử lý hiệu quả.

Nhiều nhà đầu tư cũng kiến nghị các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa trong giải quyết các vấn đề liên quan đến triển khai dự án của các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng đang gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần, liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Vì vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những chính sách phù hợp nhằm tận dụng được xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết vừa qua đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%.

Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

“Thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan