CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khu kinh tế Vân Phong: Sẽ thu hút hàng chục tỷ USD từ nước ngoài

Invest Global 16:36 03/09/2021

Nhàđầutư: Sau điều chỉnh quy hoạch, Khu kinh tế (KKT) Vân Phong hứa hẹn sẽ thu hút hàng chục tỷ USD từ nước ngoài. Khánh Hòa đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT Vân Phong tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025. 

Phải trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển

KKT Vân Phong có diện tích 150.000ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền khoảng 70.000ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Vịnh Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á. Là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ Vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Vịnh Vân Phong có diện tích lớn, độ sâu trung bình từ 20-27m, tương đối kín gió, chắn gió tốt.

KKT Vân Phong cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Châu Âu, UAE, quần đảo Cayman… tổ chức khảo sát, đánh giá rất cao về vị trí địa lý, lợi thế cảng nước sâu, trung chuyển hàng hóa.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016-2020, KKT Vân Phong đã thu hút mới được 42 dự án (33 dự án trong nước, 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (10 dự án trong nước, 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký hơn 66.000 tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2020 của KKT Vân Phong đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm gần 70% của Bắc Khánh Hòa, chiếm khoảng 12% của tỉnh Khánh Hòa.

KKT Vân Phong được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vị trí địa lý, lợi thế cảng nước sâu, trung chuyển hàng hóa. Ảnh: Việt Tùng

Trước đó vào tháng 5/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hoà. Nội dung buổi làm việc là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, định hướng phát triển KKT Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, KKT Vân Phong không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. KKT Vân Phong phải trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp (thuỷ, hải sản) và dịch vụ.

Đối với công tác quy hoạch KKT Vân Phong, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đề nghị nghiên cứu bổ sung phát triển trung tâm logistics, phát triển dịch vụ thương mại (kho bãi, dịch vụ cảng biển) để tận dụng vị trí địa lý thuận lợi, đắc địa của Khu kinh tế.

Sẽ thu hút hàng chục tỷ USD từ nước ngoài

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận nguyên nhân khiến KKT Vân Phong chưa “cất cánh” được do thời gian qua mô hình phát triển chưa phù hợp. Đến tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Nhận định đây là cơ hội để xác định lại mô hình phát triển Vân Phong trong tình hình mới, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa qua tỉnh Khánh Hòa đã hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng chiến lược phát triển và lập điều chỉnh quy hoạch chung cho KKT Vân Phong.

Cụ thể, vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong.

Tại buổi lễ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho biết, IPPG không xin giao đất, không xin ân nghĩa chỉ xin bỏ tiền làm quy hoạch và sẽ tham gia đấu giá cùng các doanh nghiệp khác.

Theo đó, IPPG sẽ tài trợ khoảng 5 triệu USD để lập quy hoạch toàn KKT Vân Phong rộng 150.000 ha. Lộ trình lập quy hoạch dự kiến hoàn thiện vào năm 2021, để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào đây.

"Quy hoạch KKT Vân Phong có sự liên kết với khu vực Nam Phú Yên nên chúng tôi đã làm việc và kêu gọi được khoảng 200 nhà đầu tư trên thế giới với số vốn lên đến 60 tỷ USD. Sau khi thăm dò, các nhà đầu tư rất phấn khởi nhưng chúng ta cần có những cơ chế, đặc thù để thu hút đầu tư", Chủ tịch IPPG- ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với báo chí tại buổi ký kết.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Ban quản lý KKT Vân Phong khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban quản lý KKT Vân Phong, đơn vị tư vấn quan tâm định hướng quy hoạch phù hợp giữa phát triển hệ thống cảng biển và khu vực quy hoạch các ngành, nghề ưu tiên khác (năng lượng tái tạo, logistic, nuôi biển, kho bãi, phát triển rừng gắn với du lịch sinh thái…).

Theo Ban quản lý KKT Vân Phong tính đến cuối tháng 8/2021, do thực hiện đồng thời với việc lập Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong nên đến nay đơn vị tư vấn đã thực hiện trên 90% khối lượng hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong. Đồng thời Ban này cũng lấy ý kiến góp ý từ Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (đơn vị lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa).

Đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thị sát Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Việt Tùng

Liên quan đến KKT Vân Phong, vào cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, từ nay đến khi Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong sẽ tiếp tục đôn đốc các sở ngành có ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch để tổng hợp làm việc với đơn vị tư vấn. Đồng thời Ban quản lý KKT Vân Phong sẽ tổ chức làm việc giữa đơn vị tư vấn lập quy hoạch KKT với các cơ quan, đơn vị trong trong tỉnh, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, các chuyên gia phản biện về các nội dung của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu dự kiến thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT Vân Phong tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Đồng thời đóng góp thu ngân sách KKT Vân Phong chiếm từ 30-40%; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan