CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thứ tư, 23/2/2022 | 08:07 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi tới các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu về phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán.Theo Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, trong đó có khâu vận tải và giao nhận. Tại nhiều cảng biển, hàng hóa phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng và từ đó là rủi ro cho khâu thanh toán, nhất là với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng trong khâu thanh toán.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.
Các phương thức thanh toán an toàn như Thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) nên được xem xét áp dụng để thay cho các phương thức kém an toàn hơn. Uy tín cũng như khả năng thanh toán quốc tế của các ngân hàng thanh toán cũng cần được xem xét và cân nhắc một cách thấu đáo trước khi giao kết hợp đồng.
Trước đó, trong bài viết "Rủi ro rình rập doanh nghiệp giữa dịch COVID-19", VnBusiness đã phản ánh về tình trạng kéo dài thời gian giao hàng, thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ... và nguy cơ hơn là đối tác phá sản, mất khả năng thanh toán là những rủi ro khiến doanh nghiệp Việt rơi vào tình cảnh bi đát trong suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Ông Võ Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, doanh nghiệp đang hoạt động 100% công suất với gần 2.000 lao động, đơn hàng dồi dào. Song, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp gặp phải là vướng mắc, trở ngại trong đầu tư mở rộng sản xuất.
Cụ thể, Tổng giám đốc Võ Đình Hùng chia sẻ, Dệt may Nha Trang đang đầu tư một nhà máy sợi với tổng số vốn 200 tỷ đồng, đã đấu thầu lựa chọn máy móc thiết bị châu Âu. Nhà cung cấp có trách nhiệm cung ứng theo hồ sơ dự thầu, với thời gian từ 6 - 9 tháng. Song, đối tác bên châu Âu thông báo thời gian giao máy móc trễ xuống 16 - 22 tháng.
"Điều này gây ra rủi ro lớn cho chúng tôi, không chỉ ảnh hưởng tới nguồn tài chính mà còn đối với khai thác, tận dụng đơn hàng sau dịch", ông Hùng phàn nàn.
Thy Lê