CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ tạo bước tiến để phát triển kinh tế đô thị

Invest Global 15:23 05/10/2022

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước và Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội Thành phố quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phát triển tích cực.

Lĩnh vực chủ chốt tăng trưởng tích cực

Trong 9 tháng năm 2022 Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; thu ngân sách Nhà nước tăng 13,7%.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%.

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho gieo trồng lúa và hoa màu; diện tích cây lâu năm đạt khá. Chăn nuôi có sự phục hồi và phát triển, không xảy ra dịch bệnh lớn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.

Bên cạnh đó, giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát; văn hóa nghệ thuật, thể thao được quan tâm phát triển; thị trường lao động việc làm sôi động trở lại; an sinh xã hội được đảm bảo.

-8159-1664856703.jpg

Chính sách phát triển kinh tế của TP Hà Nội đã mang lại kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm.

Có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành nhiều chính sách tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2022, trong những tháng cuối năm, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch, Chương trình của Thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo điện tử và hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trên địa bàn TP; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị

Nhận định kinh tế đô thị được xác định là lĩnh vực tiềm năng mà Hà Nội có lợi thế, vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nhiều khu vực đô thị mới như các đô thị vệ tinh, một số huyện trở thành quận... Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển đối với kinh tế đô thị.

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu phát triển kinh tế đô thị là rất cao. Giai đoạn tới, Hà Nội dự kiến sẽ khai thác, phát huy tối đa các giá trị văn hóa - lịch sử, những đặc điểm riêng có của Thủ đô để tạo bước tiến vượt trội trong hoạt động kinh tế đô thị.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, trong đó các nội dung định hướng về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị đã được nêu rõ. Đây là chủ trương có tính “đột phá” và Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước quan tâm sát sao đến phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, Thủ đô đã và đang định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế đô thị theo hướng văn minh - hiện đại, và TP có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế đô thị như: là nơi các doanh nghiệp, định chế tài chính lớn đặt trụ sở giao dịch; là đầu mối giao thương của các tỉnh phía Bắc. Phố cổ với chức năng thương mại, dịch vụ, mà đặc trưng là 36 phố, phường, nhiều loại hàng hóa truyền thống vẫn được kinh doanh đến nay. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước; có không gian cảnh quan đẹp, đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, các mô hình kinh tế mới như phố đi bộ, kinh tế đêm...

Do đó, theo ông Kỳ, để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị theo hướng này, cần nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Ví dụ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...). Tạo môi trường pháp lý đầy đủ, quy định rõ ràng để phát triển các mô hình kinh tế mới và kiểm soát rủi ro. Đẩy mạnh cải tạo, chỉnh trang đô thị để tạo không gian đẹp, giàu bản sắc cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch. Đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư, có thêm quỹ đất phát triển kinh tế đô thị.

Thanh Hoa

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan