CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kinh tế Việt Nam cần hợp lực cả chính sách phía cầu và phía cung

Chuyên Gia 11:28 04/09/2020

Đây là thời điểm Chính phủ cần thực thi chính sách nghịch chu kỳ

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, dù là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, nhưng Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi vẫn duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết các nước trong khu vực lẫn trên thế giới đều rơi xuống mức tăng trưởng âm.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng âm 4,9%, trong khi 2 tháng trước dự báo chỉ âm 3%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sụt giảm sản lượng nghiêm trọng, như Hoa Kỳ có thể âm 8%, khu vực Euro âm 10,2%...

Mục tiêu của hầu hết các nước lúc này có lẽ là chống suy thoái hoặc cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương đã là thành công lớn. Trong bối cảnh đó, nỗ lực duy trì được tăng trưởng dương trong năm nay của Chính phủ Việt Nam cũng đã là một thành công. Không những vậy, nếu lấy kinh tế thế giới làm “hệ quy chiếu”, thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một điều đáng mong đợi đối với nhiều nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đã thành công. Giai đoạn khó khăn nhất chưa hề qua đi. Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức không kém nửa đầu năm.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế như Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng… Có thể khẳng định, đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các giải pháp trên nhiều khía cạnh, từ tiền tệ đến tài khóa, từ tín dụng đến đầu tư, từ thúc đẩy kinh tế đến bảo đảm đời sống người dân… Ước tính tổng quy mô các gói hỗ trợ đã được đề xuất, nếu được triển khai đầy đủ, có thể tương đương 8,5% GDP.

Trên tinh thần chung, với các định hướng đã xác định, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 5 mũi giáp công, đó chủ yếu là các chính sách phía cầu, gồm thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Để có thể triển khai tốt, thiết nghĩ, nếu Chính phủ chỉ dùng loại vũ khí thông thường là không thể, mà phải dùng vũ khí hạng nặng, phải huy động tất cả “khí tài” của các chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách đầu tư, chính sách cơ cấu một cách mạnh mẽ, đột phá; phải có sự phối hợp tác chiến và hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Về quan điểm, thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm Chính phủ cần thực thi chính sách nghịch chu kỳ, bao gồm cả tài khóa và tiền tệ. Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chấp nhận tăng bội chi và nợ công để chống suy thoái kinh tế. Điều chắc chắn là, thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, thâm hụt ngân sách khi đó sẽ càng bị khuếch sâu hơn, nợ công đương nhiên sẽ tăng nhanh. Thông qua hiệu ứng số nhân, chính sách tài khóa sẽ giúp hỗ trợ và thúc đẩy các yếu tố khác của tổng cầu.

Khuyến khích tiêu dùng nội địa

Tiêu dùng hộ gia đình chiếm đến 68% tổng cầu của nền kinh tế. Do đó, các chính sách kích thích tiêu dùng khu vực hộ gia đình sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nếu trừ yếu tố giá thì giảm đến 5,3%. Điều này cho thấy, sức cầu của nền kinh tế đang khá yếu. Điều này phản ánh thu nhập thực tế hoặc thu nhập kỳ vọng giảm, hoặc người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Thắt lưng buộc bụng là hành vi đúng ở góc độ cá nhân, hộ gia đình trong điều kiện kinh tế khó khăn, song ở góc độ tổng thể nền kinh tế, thì điều này không hẳn đã tốt, bởi không chỉ tổng tiết kiệm không tăng, mà còn khiến tổng cầu giảm, thu nhập giảm, tăng trưởng giảm.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần tập trung thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chú ý kích cầu các mặt hàng sản xuất trong nước, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thực hiện các chính sách khuyến khích về tài khóa như miễn/giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước; về tiền tệ như ưu đãi tiếp cận và mở rộng hạn mức cho tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ thị trường, hỗ trợ phiếu thực phẩm miễn phí, giảm giá sản phẩm, giảm chi phí trung gian, chi phí lưu thông, chi phí hành chính, chi phí không chính thức…

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Bên cạnh tiêu dùng nội địa, đầu tư chiếm đến hơn 30% GDP của nền kinh tế, trong đó đầu tư tư nhân chiếm hơn 45% tổng đầu tư của nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ phải có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Theo đó, bên cạnh các chính sách đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, các công cụ thuế khóa và tiền tệ cần được phát huy trong ngắn hạn. Chẳng hạn, miễn thuế cho các khoản đầu tư mới, dự án mới triển khai/giải ngân thực tế từ nay đến hết năm 2020. Chính sách này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư/doanh nghiệp tận dụng cơ hội triển khai các dự án đầu tư mới, giải ngân thực tế để hình thành vốn vật chất, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, chiếm 23% tổng đầu tư xã hội, cũng là một động lực quan trọng để duy trì tăng trưởng. Kiểm soát dịch thành công sẽ là một gói kích thích kinh tế vô hình. Các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động lập danh sách nhà đầu tư tiềm năng, sáng tạo các cách tiếp cận nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn các thủ tục, đi trước một bước các điều kiện và nguồn lực để tận dụng được các cơ hội, chớ để dịch bệnh qua đi mới hành động, vì lúc đó cơ hội sẽ không còn nữa. 

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Tăng cường đầu tư công để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vai trò của đầu tư công chưa bao giờ hiển hiện như lúc này.

Đầu tư công không chỉ giúp tạo ra các nền tảng để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong dài hạn, mà ngay trong ngắn hạn, một lượng việc làm mới sẽ được mở ra trong quá trình triển khai dự án đầu tư công, nhờ đó bổ sung hoặc bù đắp sự sụt giảm việc làm do suy giảm đầu tư tư nhân, đảm bảo duy trì thu nhập và cung cấp mạng lưới an sinh xã hội cho người dân.

Theo đó, cần khơi thông “3 cái đọng” mà Thủ tướng đã nói, gồm vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng. Xét cho cùng, thủ tục đọng chính là nguyên nhân của hai cái đọng còn lại. Do đó, cần phải gỡ ngay các cục rối về quy trình thủ tục để sớm triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Đồng thời, phải thúc đẩy các dự án quy mô nhỏ, đơn giản thủ tục, dễ thực hiện ở các địa phương để giải quyết bài toán an sinh xã hội. Trên tinh thần đó, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương và hiệu quả.

Các chính sách phía cung

Để hỗ trợ cho các chính sách phía cầu, giảm áp lực lên lạm phát, Chính phủ cũng cần thúc đẩy cả những chính sách phía cung. Theo đó, một số chính sách trọng tâm cần được thúc đẩy tích cực:

Thứ nhất là đẩy mạnh việc tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế đang còn dang dở, trong đó đặc biệt liên quan đến quyền tài sản, thực thi hợp đồng, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, tránh tụt hạng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế có chất lượng, năng cao năng lực nội sinh của thành phần kinh tế trong nước. Đồng thời với nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế thì phải song hành với nhiệm vụ tổ chức lại cấu trúc quản trị nhà nước và nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức để có thể tương thích với thể chế mới.

Thứ hai là cải cách thị trường lao động, cả ở phía cung lẫn phía cầu; các địa phương chủ động đào tạo lại lao động theo các kỹ năng phù hợp với các ngành/lĩnh vực/dự án định hướng thu hút đầu tư. Cải cách thị trường lao động cần gắn với nâng cao chất lượng vốn con người, đi cùng với tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ xem đây là chìa khóa lâu bền để có thể mở cánh cửa bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong thập niên tới.

Thứ ba là cải cách thị trường đất đai, bất động sản, trong đó tập trung mọi nỗ lực để giải phóng bằng được các điểm nghẽn về đất đai cho nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cả công lẫn tư.

Thứ tư là cải cách thị trường tài chính, bao gồm cải cách theo hướng giảm nhẹ các thủ tục, quy định tiếp cận vốn, giảm chi phí và lãi suất vay vốn thực chất cho người dân/doanh nghiệp, khuyến khích ngân hàng và doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ theo hướng bền vững, giảm chi phí tài chính, tăng cường độ sâu tài chính; đồng thời phát triển thị trường vốn, nới điều kiện tiếp cận dòng tiền trên thị trường vốn cho doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào các trung gian tài chính, ngân hàng thương mại.

Cuối cùng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng cần duy trì sự ổn định xã hội, thực hiện chính sách an dân và kiểm soát nền tảng vĩ mô. Nhân bối cảnh hiện nay để chấn chỉnh lại trật tự xã hội, kinh tế; phát huy sức mạnh và tinh thần dân tộc, nguồn lực của nhân dân, đón lấy thời cơ để thúc đẩy khởi nghiệp, tái khởi nghiệp...

Nguồn Báo Đầu tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan