CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Làm sao có thể thu hút PPP khi vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư

Chuyên Gia 14:34 18/09/2020

Dù nguyên tắc hàng đầu trong đầu tư theo đối tác công tư (PPP) là bình đẳng giữa các bên, nhưng một trong các bất cập lớn nhất hiện nay vẫn là việc không tuân thủ hay can thiệp quá sâu vào hợp đồng, mà phần lớn trường hợp thuộc về phía Nhà nước.

 

Nhiều dự án BOT đang bị phá vỡ phương án tài chính khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro, thậm chí có thể rơi vào danh sách nợ xấu của ngân hàng.

Nhiều cam kết hợp đồng bị vô hiệu

Tại tọa đàm trực tuyến “Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP” vừa tổ chức, đánh giá cao vai trò PPP, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (VARSI) cho rằng, Luật PPP ra đời sẽ tác động rất lớn đến các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có sự thay đổi rất quan trọng về mặt nhận thức, tạo ra động lực mới,...

Tuy nhiên, có một vấn đề mà vị Chủ tịch VARSI vẫn rất băn khoăn, đó là sự không bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng, mà cụ thể ở đây là giữa Nhà nước và nhà đầu tư. PGS.TS Trần Chủng nhìn nhận, nguồn vốn đầu tư PPP phần lớn của các nhà đầu tư nhưng Nhà nước lại đang coi như nguồn vốn của mình, áp đặt cách thức quản lý của nhà nước.

“Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP nhưng có nhiều nội dung không rõ ràng, thậm chí không bình đẳng”, Chủ tịch VARSI nhấn mạnh. 

Cũng tại tọa đàm, một số nhà đầu tư dự án PPP cho rằng, nhiều dự án Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng lại sử dụng các biện pháp hành chính, văn bản pháp lý để can thiệp quá sâu vào hợp đồng, không đảm bảo bình đẳng khiến những cam kết thường xuyên bị vô hiệu hoá.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - ông Trần Văn Thế cho biết, dù Đèo Cả là một trong các đơn vị hàng đầu trong việc thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, bản thân tập đoàn trong quá trình triển khai đầu tư đến nay vẫn gặp phải nhiều bất cập. Thứ nhất là về pháp lý, do những quy định khung pháp lý PPP chưa đồng bộ nên khi xử lý một vấn đề rất lúng túng.

Bất cập thứ hai theo ông Thế là là cam kết của phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường xuyên bị vô hiệu khi mà một bên hợp đồng đơn phương không thực hiện những cam kết đã ký với nhà đầu tư theo hợp đồng dự án. Do đó, phát sinh nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là ngân hàng hạn chế giải ngân, thậm chí các tổ chức tín dụng nói không với nhà đầu tư PPP.

“Phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án khi giải ngân chưa đủ mức cam kết thì đã bị thu hồi, dẫn đến phương án tài chính cũng bị thâm hụt. Hay việc đơn phương bỏ đi một số trạm thu phí, do vướng mắc về cơ chế, khiến cho phương án tài chính của nhà đầu tư bị phá vỡ, ảnh hưởng đến việc tiếp tục giải ngân cũng như thu xếp tín dụng”, ông Thế nói.

Ông Thế cho biết thêm, ngay việc tăng giá vé khi đến hạn theo cam kết hợp đồng cũng không thể thực hiện dù đã nhiều lần đề nghị tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những khó khăn như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

PPP vẫn phải đối mặt với những thách thức

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ kỳ vọng, với những điểm mới như vốn hỗ trợ của Nhà nước, đấu thầu cạnh tranh, cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… Luật PPP sẽ khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân vào các dự án PPP, tạo ra các cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP. Tuy nhiên, ông Lộc cũng lo ngại, bên cạnh những cơ hội mới, hợp tác công tư vẫn phải đối mặt với những thách thức cũ và mới phát sinh đan xen. 

Theo đó, hệ thống thể chế, pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Sau khi ban hành, còn gần 30 nội dung, điều khoản nêu trong luật cần hướng dẫn; đồng thời cũng còn tồn tại những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật và văn bản pháp lý khác. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm từ cả 2 phía Nhà nước và nhà đầu tư còn hạn chế. Sự ủng hộ, đồng thuận, quyết tâm từ phía các bộ ngành cũng còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ ngành chưa hiệu quả nên khó tạo sự đột phá trong phát triển hợp tác công tư.

Vì vậy, ông Lộc cho rằng để thúc đẩy PPP trong thời gian tới, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý. Trước mắt là khẩn trương soạn thảo, ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật PPP phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển hợp tác công tư với mục tiêu kép, vừa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, an toàn tài khóa quốc gia, đồng thời thông thoáng, công bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. 

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, hiện nay nhà đầu tư đều kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai, tạo niềm tin của nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các dự án PPP và lan tỏa tới cộng đồng DN. Cùng với đó, bố trí nguồn lực tài chính, tạo vốn mồi và các công cụ tài chính làm tăng tính khả thi dự án để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đại diện cơ quan soạn thảo, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) khẳng định, Luật PPP có rất nhiều điểm mới, vừa nâng cao tính hấp dẫn, vừa đảm bảo hoá giải các rủi ro trước đây của hình thức đầu tư PPP. 

Trong đó có một nội dung rất mới và cũng đòi hỏi phối hợp cao với các quy định của ngành tài chính, đó là chia sẻ phần tăng - giảm doanh thu. “Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn sau này sẽ có quy định cụ thể hơn các trường hợp, các bước để thực hiện nội dung này. Tuy nhiên cơ chế tài chính là cái nền cho hoạt động chia sẻ rủi ro, chúng tôi kỳ vọng Nghị định của Bộ Tài chính sẽ có bước tiến so với quy định hiện hành”, bà Lê bày tỏ. 

Liên quan đến vấn đề huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Phan Quang Vinh, Giám đốc quốc gia dự án USAID LEAP III tại Việt Nam đề xuất, hình thức đầu tư PPP trong thời gian tới cần gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững, PPP vì con người, cộng đồng trong chính sách và thực thi. Việc gắn kết chính sách như vậy sẽ giúp nhà đầu tư huy động được các nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn phát triển xanh có chi phí rất ưu đãi. 

"Thực tế cho thấy, các dự án PPP nếu chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhà tài trợ cho vay, mà không chú ý đến lợi ích của cộng đồng với tư cách là người dân và người tiêu dùng sẽ dẫn đến bùng nổ sự bức xúc và phản đối trong dư luận và xã hội. Vì vậy cần đặt ra các tiêu chí xác định dự án PPP vì cộng đồng, trong đó đặt hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không phải hiệu quả tài chính lên hàng đầu", ông Vinh khuyến nghị

Nguồn Nhà Đầu Tư 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan