CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, logistics đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo (ĐMST), bởi ngành này là ngành mang tính quốc tế rất cao. Do đó, nếu không ĐMST thì với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay sẽ không thể đưa được hàng hóa qua biên giới.
Tại Việt Nam, logistics vẫn thường được xem là một ngành nghề truyền thống, với cách thức làm việc thủ công và chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Đi cùng với sự phát triển ấy là khối lượng hàng hóa giao thương ngày một tăng cao, dẫn đến yêu cầu về giảm chi phí và tăng tính hiệu quả của ngành logistics được đặt ra cấp bách.
Năm 2020, ngành logistics Việt Nam chứng kiến hàng loạt biến động. Dịch COVID-19 dẫn đến những thay đổi không ai ngờ tới. Một thời gian sau, hàng loạt doanh nghiệp dần dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, mang đến hàng loạt cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt.
Hội thảo "Đổi mới sáng tạo trong Logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt" sáng 29/11
Khi mà cách thức hoạt động thủ công không thể đáp ứng yêu cầu ngày một tăng cao của một thị trường đang đi lên với tốc độ chóng mặt, thì công nghệ chính là lời giải hoàn hảo nhất.
Sáng 29/11, Hội thảo "Đổi mới sáng tạo trong Logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt" đã được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện TECHFEST VIETNAM 2020. Hội thảo nhằm thảo luận về những định hướng đổi mới sáng tạo, giải pháp để các doanh nghiệp Việt bứt phá trong bối cảnh của các hiệp định thương mại mới và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực logistics là yêu cầu bắt buộc cả chủ quan và khách quan.
Theo ông Tương, ngành dịch vụ logistics có 17 loại hình dịch vụ khác nhau, trong đó vận tải, kho bãi, giao nhận vận tải, khai báo hải quan là các ngành dịch vụ chủ yếu. Những ngành đó đòi hỏi phải ĐMST, bởi ngành này là ngành mang tính quốc tế rất cao. Do đó, nếu không ĐMST thì với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay sẽ không thể đưa được hàng hóa qua biên giới.
Ông Tương cho biết, hiện nay có hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu là doanh nghiệp quốc tế. Vì thế, việc ĐMST là cần thiết, nhưng không phải chỉ 1 việc mà phải làm thế nào để chuyển đổi để tích hợp được các hoạt động logistics của công ty vào một nền tảng.
"Chúng ta muốn ĐMST, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp logistic thì cần có các yếu tố công nghệ đi đầu, quy trình quản trị và con người phối hợp nhuần nhuyễn thì mới ĐMST thành công", ông Tương nói.
Nói về hiệu quả của làn sóng ĐMST trong logistics mang lại cho các doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Dương Quốc Anh - Trưởng chi nhánh miền Bắc, DHL Supply Chain Vietnam cho hay, mục tiêu của DHL là đứng số 1 về logistics trên thị trường Việt Nam. Việc đầu tiên của doanh nghiệp là áp dụng công nghệ vào quản trị và phần mềm. Nếu trước kia đơn vị này dùng 1 hệ thống kế toán và 1 hệ thống quản lý vận hành, thì hiện nay đã hợp nhất với nhau. Bất kỳ cuộc họp nào đều dựa vào số liệu online trên hệ thống, từ đó tiết kiệm được thời gian trong việc báo cáo.
"Những thay đổi đó đã thay đổi tốc độ và tiết kiệm được chi phí vận hành của doanh nghiệp chúng tối và từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh", ông Quốc Anh chia sẻ.
Ngoài ra, là "ông lớn" trong lĩnh vực logistics, ông Phan Trọng Lê - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển và Thương Hiệu, VNPost và ông Đặng Tấn Đức - Trợ lý Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC đều cho rằng, việc chuyển đối số là thực sự cần thiết đối với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động của mình.
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ