CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Thực trạng lừa đảo Forex đang rất nhức nhối thời gian qua. Dù nhiều vụ việc đã bị đưa ra ánh sáng, thậm chí xử lý hình sự, song các sàn Forex vẫn mọc lên như nấm sau mưa, tiếp tục thu hút tiền của nhà đầu tư hám lợi, hiểu biết hạn chế.
Ảnh Internet
Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, chỉ các tổ chức tín dụng và tổ chức được kinh doanh ngoại hối khác - nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép bằng văn bản - mới được tham gia giao dịch ngoại hối trong và ngoài nước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ một tổ chức nào kinh doanh ngoại hối. Do đó, hoạt động của các sàn Forex hiện nay trong nước là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật. Người dân đưa tiền vào đây đầu tư hết sức rủi ro và luật pháp không bảo vệ.
Theo Nghị định 88/2019, hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 triệu đến 250 triệu đồng. Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền, thì bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt có thể lên tới 20 năm.
Về yếu tố đa cấp, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Forex không phải kinh doanh đa cấp, mà là kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cho tới thời điểm hiện tại Bộ Công Thương cũng chưa hề cấp phép cho doanh nghiệp nào kinh doanh đa cấp với hoạt động Forex, giao dịch ngoại hối.
Dù đã có những quy định nêu trên, tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV ANVI thì hiện khung pháp lý với hình thức đầu tư Forex vẫn rất mù mờ.
“Đa số các đối tượng đứng đầu các sàn Forex bị truy quét hiện nay đều bị áp dụng theo hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 290 Bộ Luật hình sự. Còn hành vi môi giới đầu tư Forex hiện nay tuy rất phổ biến nhưng lại khó bị xử lý vì chưa có quy định rõ ràng”, ông Đức nói.
Chia sẻ thêm về khung pháp lý đối với các kênh đầu tư mới, trong đó có Forex, ông Đức cho biết, đã có yêu cầu nghiên cứu sàn vàng, sàn ngoại hối nhiều năm trở lại đây nhưng đến nay vẫn chưa có những quy định cụ thể. “Cho tới thời điểm hiện tại thì tổ chức kinh doanh ngoại hối không được NHNN cấp phép thì bị coi là phi pháp nhưng cá nhân đầu tư ngoại hối với các tổ chức nước ngoài thì lại không bị coi là phạm pháp”. Đây cũng là một trong những kẽ hở bị các đối tượng lập sàn Forex lợi dụng, quảng cáo các sàn Forex xuất phát từ Anh, Pháp, Mỹ...
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ở Mỹ hay nhiều người phát triển, hoạt động đầu tư Forex không phổ biến đối với các nhà đầu tư cá nhân vì rủi ro cao.
“Phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp, là những chuyên gia trong lĩnh vực ngoại hối mới đầu tư forex. Trong đó chủ yếu là các ngân hàng, có các bộ phận về ngoại hối, nguồn vốn. Còn người dân gần như không bao giờ đổ tiền vào đầu tư Forex”, ông Hiếu nói.
Ở Việt Nam, ông Hiếu cho rằng, đa số các sàn giao dịch Forex quảng cáo là đến từ Anh, Pháp, Mỹ nhưng thực tế các sàn Forex quốc tế chuyên nghiệp không dại gì vào khi biết đó là hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam.
“Kinh doanh ngoại hối trái phép trên lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý, song hầu hết các sàn Forex thành lập ở nước ngoài, đặt máy chủ ở nước ngoài, thì cơ sở xử lý ở Việt Nam là điều chưa rõ ràng. Khung pháp lý của Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Cơ quan chức năng lẽ ra phải có những công cụ mạnh hơn để chặn các sàn này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Về phần mình, LS. Trương Thanh Đức cho biết, đa số các sàn Forex tại Việt Nam hiện nay là mượn danh sàn nước ngoài hoặc là một số là chi nhánh của sàn nước ngoài thật nhưng lại có thể can thiệp vào công nghệ để điều khiển thị trường.
Khi là một hình thức đầu tư bất hợp pháp, rủi ro cho nhà đầu tư có thể gặp phải là cả về tài sản và pháp lý. Rất khó để người chơi có thể lấy lại tiền khi đã đổ vào các sàn Forex vì có liên quan tới yếu tố nước ngoài. Và nếu có bị lừa đảo bởi đối tượng trong nước thì thi hành án cũng rất khó để có thể lấy lại được tài sản.
Cùng với đó, hoạt động chủ yếu của các sàn giao dịch Forex hiện nay là theo mô hình đa cấp nên nhà đầu tư vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là đối tượng tiếp tay cho hoạt động phi pháp khi lôi kéo người khác tham gia cùng hưởng hoa hồng.
Theo quy định pháp luật hiện hành, mặc dù có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực buôn bán ngoại tệ trái phép, trong lĩnh vực Forex, nhưng việc điều tra và chứng minh hành vi vi phạm không hề dễ dàng.
Có một thực tế rằng, các đối tượng vẫn dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài để mua ngoại hối hoặc tiền ảo, và đây được cho là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ làm cho hoạt động mua bán ngoại hối, tiền ảo trở nên sôi động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý gần như bó tay với các trường hợp này khi giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng không thể hiện nội dung mua bán ngoại hối hay tiền ảo.
Đề xuất phương hướng quản lý hoạt động Forex trong thời gian tới, ông Đức cho rằng: Hiến pháp năm 2013, Luật Dân sự năm 2015 và Luật Đầu tư năm 2020 đều có tinh thần chủ đạo là “những gì luật cấm thì doanh nghiệp, người dân không được làm, còn tất cả những gì luật không cấm thì người dân, doanh nghiệp đều có thể làm”. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể về cái gì người dân, doanh nghiệp không được làm và được làm trong hoạt động ngoại hối hay đầu tư tiền ảo để nhà đầu tư, người dân có cơ sở để quyết định đầu tư.
Việc thiếu công cụ quản lý các kênh đầu tư mới dẫn tới rủi ro cho các nhà đầu tư. Điều này đặt vấn đề cho các cơ quan quản lý làm sao nhanh chóng đưa ra khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư mới, kịp thời cảnh báo những rủi ro mà nhà đầu tư có thể đối mặt, cũng như hình thức phạt nặng đối với những đối tượng cố tình dựa vào kẽ hở luật pháp nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ