CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
“Đối tác đã gửi tiền cho chị, em đến lấy rồi mở cho chị sổ tiết kiệm kỳ hạn ba tháng nhé”.
Tôi và chị đang trò chuyện thì như nhớ ra chuyện gì, chị xin phép cắt ngang, gọi một cuộc điện thoại mà với nội dung như trên, tôi hiểu chị đang trao đổi với nhân viên ngân hàng.
Không thể "vờ như không nghe thấy" cuộc điện thoại đó, tôi buộc phải hỏi kỹ. Chị nói chị là khách hàng VIP của ngân hàng này từ lâu. Nhân viên chăm sóc chị cũng là giám đốc chi nhánh nơi chị mở cả tài khoản doanh nghiệp lẫn tài khoản cá nhân. Chị khen các bạn rất được việc. Nhiều lúc chị bận quá, các bạn có thể đến nhà cầm tiền đi và rút tiền mang đến cho chị. Tôi bất giác giật mình.
Với những yêu cầu gần đây của Ngân hàng Nhà nước, các dịch vụ cung cấp đặc quyền cho khách hàng cao cấp đã bớt phổ biến hơn, và nếu áp dụng, cũng phải tuân theo một quy trình rất chặt chẽ. Nhưng không ít ngân hàng vẫn bỏ qua các quy định này, và không ít vị khách vẫn hồn nhiên với tiền của mình như vậy.
Mất tiền vì gửi tiết kiệm không phải là chuyện gì mới mẻ với giới ngân hàng - tài chính chúng tôi. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các trường hợp mất tiền tương tự thường diễn ra với khách VIP. Tin tưởng thái quá trong khi không nắm rõ các nguyên tắc tài chính - ngân hàng, nhiều người đối diện rủi ro mất cả gia sản.
Với kinh nghiệm trong nghề, tôi muốn chia sẻ những dấu hiệu nên lưu ý và quy trình gửi tiết kiệm sao cho an toàn, tránh bẫy gian lận, lừa đảo.
Việc gửi tiền tiết kiệm hiện nay có thể thực hiện qua trực tuyến hoặc trực tiếp tại quầy. Mỗi hình thức đều có quy trình chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Nguyên tắc đầu tiên là không bao giờ được ký đơn đăng ký mở tài khoản, sổ tiết kiệm, và cũng không giao tiền cho nhân viên ngân hàng tại nhà, dù bạn tin tưởng họ đến đâu. Khi lòng tham của con người nổi lên, bạn hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân, dưới hai khả năng.
Tiền của khách nếu đã được ghi nhận vào hệ thống ngân hàng, sẽ trở thành tài sản của ngân hàng. Theo Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước: tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ "chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản thanh toán của khách hàng do lỗi của mình". Nghĩa là khi tiền của bạn đã được ghi nhận vào hệ thống thì với mọi hành vi giả mạo đơn từ, chữ ký để rút tiền ra, ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và bồi thường đầy đủ cho bạn. Lúc này, bạn chỉ là bên liên quan, ngân hàng là bên bị hại.
Trường hợp khác xảy ra là tiền chưa được chuyển vào và chưa được ghi nhận trên hệ thống, mà đã bị lấy đi bởi nhân viên trung gian; và họ làm giả các giấy tờ xác nhận liên quan. Lúc bấy giờ, bạn là bên bị hại, ngân hàng sẽ là bên liên quan và khi kiện tụng, nhiều khả năng ngân hàng không có nghĩa vụ thanh toán tất cả thiệt hại do nhân viên cố tình làm sai. Rủi ro này thường xảy ra với các khách VIP, tự yêu cầu hoặc được đề nghị, bỏ qua các nghiệp vụ ngân hàng "lằng nhằng, tốn thời gian".
Sau khi nhận được sổ tiết kiệm hoặc giấy xác nhận giao dịch tiết kiệm (đối với một số ngân hàng quốc tế), bạn nên dùng các công cụ khác như SMS banking, Mobile banking, Internet banking để kiểm tra xem tiền đã được ghi nhận vào hệ thống chưa, tránh nguy cơ bị thông đồng, làm giả các loại giấy tờ và rơi vào trường hợp thứ hai như đã phân tích.
Mọi thông tin trên sổ tiết kiệm đều cần được kiểm tra kỹ, đảm bảo không có sai sót. Tuyệt đối không cho nhân viên ngân hàng nợ sổ tiết kiệm của bạn dù với bất kỳ lý do gì.
Một quy trình cũng quan trọng không kém là khi mở sổ tiết kiệm hãy tự tay thực hiện giao dịch, tự điền đầy đủ thông tin vào giấy nộp tiền và đơn yêu cầu mở sổ. Luôn thực hiện nộp tiền trực tiếp với nhân viên giao dịch ở vị trí chỉ định của ngân hàng. Tại vị trí này sẽ có ít nhất ba camera quay lại khách hàng, giao dịch viên và quá trình giao dịch tiền của hai bên theo quy định. Đây là bằng chứng rất quan trọng để bảo vệ khách hàng khi có tranh chấp.
Tuyệt đối không ký các loại đơn, giấy nộp tiền trống (tức chỉ ký mà chưa có nội dung chi tiết bên trên). Tôi thấy đây là thứ các khách hàng VIP rất hay thực hiện do tin tưởng nhân viên chăm sóc, với lý do để họ có thể tái tục cho mình khi có chính sách lãi suất tốt hơn, hay có thể đáp ứng các nhu cầu giao dịch tiền mà không phải trực tiếp đến ngân hàng.
Với khách hàng cao cấp, nhiều ngân hàng có chính sách tặng thêm lãi suất, nhưng không thể hiện trên giấy tờ. Để được hưởng, bạn cần thực hiện một số yêu cầu nhất định. Đây có thể là kẽ hở nhiều rủi ro.
Bên cạnh mở sổ tại quầy, hình thức mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến cũng được nhiều người lựa chọn do lãi suất cao hơn. Phần lớn những trường hợp dẫn đến mất tiền trong tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm trực tuyến là do lỗi của người dùng khi không có thói quen sử dụng an toàn dẫn đến bị lộ thông tin đăng nhập, bị chiếm quyền mobile banking, chiếm quyền điện thoại (mà gần đây rất thường gặp qua thủ đoạn hướng dẫn cài định danh điện tử cấp độ 2)...
Ở đây, có một số nguyên tắc cần ghi nhớ.
Hãy luôn mở tiết kiệm trực tuyến trên những thiết bị mà bạn tin cậy. Nên sử dụng qua ứng dụng được tải từ Google Play hoặc Apple appstore. Không nên thực hiện ở các thiết bị lạ hoặc dùng wifi công cộng. Tuyệt đối không vào trang ngân hàng trực tuyến từ các đường dẫn liên kết, nhận được qua tin nhắn, email...
Không chia sẻ thông tin đăng nhập, OTP cho bất kỳ ai, kể cả người thân, bạn bè.
Khi mất điện thoại, mất sim hoặc thấy phát sinh giao dịch lạ hãy liên hệ với ngân hàng để yêu cầu khóa tất cả thẻ và dịch vụ trực tuyến cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết khác.
Không ngân hàng nào yêu cầu bạn cung cấp thông tin đăng nhập hay OTP nên khi có cuộc gọi xưng là từ nhân viên ngân hàng yêu cầu bất kỳ điều gì, cho dù khẩn cấp đến đâu, hãy cúp máy và gọi lại đường dây nóng của ngân hàng để xác minh.
Khi mở sổ tiết kiệm online hãy đọc kỹ điều khoản dịch vụ để chắc chắn rằng bạn chọn đúng loại tài khoản, kỳ hạn, lãi suất, loại tiền và điều khoản tất toán trước hạn, hình thức đáo hạn, tránh phát sinh những rắc rối về sau.
Càng có nhiều tiền bạn càng cần tuân thủ chặt chẽ quy trình tài chính - ngân hàng. Lạm dụng vị thế và đặc quyền khách VIP, bạn sẽ vô tình tạo ra kẽ hở, tiếp tay cho kẻ gian chiếm đoạt tài sản.
Đức Nguyễn