CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu. Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cấp phép khai thác để sớm có nguồn nguyên liệu cho dự án cao tốc trọng điểm quốc gia…
Thi công một đoạn cao tốc Bắc - Nam.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 133/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, áp dụng đối với các dự án thành phần đã khởi công và sắp khởi công.
Sau 03 tháng thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc, các địa phương đã cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các nhà thầu, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nguồn đất đắp nền cho đường cao tốc, nhất là trong năm 2021 vẫn còn thiếu với khối lượng lớn, không đáp ứng được theo yêu cầu tiến độ thi công dự án đường cao tốc.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án đường cao tốc, Chính phủ thống nhất quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP.
Nghị quyết số 133/NQ-CP: "Đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án đường cao tốc, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp".
Theo đó, Nghị quyết 133 sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Mục 1 về “cơ chế đặc thù” đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua.
Cụ thể, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển, đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án đường cao tốc đi qua khi thực hiện “cơ chế đặc thù”, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điểm b Mục 2.
Theo đó, đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu, nhà đầu tư sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ để địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan.
Nghị quyết nêu rõ: "Thực hiện giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính khi cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục khác có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cấp phép khai thác để sớm có nguồn nguyên liệu cho dự án cao tốc trọng điểm quốc gia".
Các nội dung khác của Nghị quyết số 60/NQ-CP được giữ nguyên.
Trước đó, đầu tháng 10, theo báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, trong quá trình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông tiếp tục gặp vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng do việc triển khai đồng loạt các dự án thành phần.
Nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Hiện có 9/11 dự án thành phần qua địa bàn 11 tỉnh vướng mắc về nguồn vật liệu đắp cần kịp thời tháo gỡ để đảm bảo tiến độ thực hiện.
THEO VNECONOMY