CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mở thầu 3 dự án cao tốc Bắc-Nam: Hồ sơ được bảo mật, Bộ Công an cùng giám sát

Chuyên Gia 14:45 25/09/2020

Cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được chuyển đổi sang đầu tư công đang trong giai đoạn chấm thầu, tất cả các hồ sơ tham gia đều được bảo mật, công tác chấm thầu thực hiện nghiêm ngặt.

Nhà thầu yếu không có “cửa” vào cao tốc Bắc – Nam

Dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long với tổng mức dầu từ khoảng 118,716 tỷ đồng.

Hiện, cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được chuyển đổi sang đầu tư công đang trong giai đoạn chấm thầu, tất cả các hồ sơ mời thầu, tham gia thầu đều được bảo mật, công tác chấm thầu thực hiện nghiêm ngặt.
Dự án có 6 dự án thành phần: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - QLA5; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn đầu tư công. Cùng với đó, có 5 dự án thành phần: QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức đối tác (PPP).

Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu đối với 3 dự án chuyển đổi phương thức sang tư công (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây).

Bộ GTVT cho biết, đến nay, tại 3 dự án chuyển đổi phương thức sang tư công, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đã nhận được 44 hồ sơ dự thầu tại 13 gói thầu của 3 dự án, trong đó có tới 34 hồ sơ dự thầu với tư cách liên danh (mỗi liên danh có tối đa 3 nhà thầu) và 10 hồ sơ dự thầu của nhà thầu đứng độc lập.

Đến nay, công tác chấm thầu lựa chọn nhà thầu tại 13 gói thầu xây lắp đang được thực hiện bởi các tổ chuyên gia đấu thầu của Ban QLDA Thăng Long (Mai Sơn - QL45, Dầu Giây - Phan Thiết) và Ban QLDA7 (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) nhằm sớm tìm ra những nhà thầu tốt nhất để bắt tay vào thi công.

Được biết, công tác chấm thầu, diễn ra tại phòng riêng biệt được bảo mật chặt chẽ, phòng chấm thầu được lắp đặt camera theo dõi, người không thuộc tổ chấm thầu không được vào. Đặc biệt, trong phòng không có kết nối internet, mọi thành viên đều không được mang điện thoại vào để liên lạc với bên ngoài.

Sau khi đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu, Tổ chuyên gia sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu sau đó báo cáo lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long trình Cục QLXD&CLCTGT thẩm định. Sau khi Bộ GTVT phê duyệt kết quả hồ sơ kỹ thuật, nhà thầu nào đạt yêu cầu về kỹ thuật mới tiến hành mở tiếp hồ sơ đề xuất tài chính.

Công an, thanh tra, kiểm toán giám sát ngay từ đầu

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông – Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Cục đã cử các tổ công tác xuống Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 để tham gia giám sát cùng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) tại lễ mở thầu, chấm thầu 3 dự án này.

“Thời điểm mời thầu, ngoài hồ sơ gốc do bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật, một bộ hồ sơ dự thầu bản sao đã được đưa riêng vào thùng sắt, sau đó khóa lại dán niêm phong và có chữ ký của các bên liên quan. Việc này nhằm tránh hiện tượng tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu, bởi khi chấm thầu có vấn đề gì phát sinh, nếu cần thiết cơ quan liên quan sẽ mở hòm hồ sơ lưu giữ ra để đối chiếu, xác minh”, ông Tiến cho hay.

Ông Tiến cho biết thêm, quá trình triển khai dự án này, để đảm bảo công bằng, minh bạch và lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014, Nghị định 100/2018, Thông tư 03/2015 của Bộ KH&ĐT, các quy định có liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu của 3 dự án với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… khi tham gia đấu thầu.


Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp giám sát trong quá trình thực hiện các dự án thành phần một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai.


Theo Bộ GTVT, lần chấm thầu cao tốc Bắc - Nam nàu, nhà thầu yếu không có “cửa” vào cao tốc Bắc – Nam vì có nhiều rào cản để "lọc".
Trong văn bản gửi tới Bộ Công an, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, để đảm bảo việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phải là dự án mẫu mực, phòng chống tham nhũng, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

"Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp và hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ công tác GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu và trong suốt quá trình thi công. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an trong quá trình thực hiện", văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký nêu rõ.

Quan trọng phải có cơ chế kiểm soát sau đấu thầu

Theo PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, để lựa chọn được các nhà thầu xây lắp tốt nhất, trước hết, bên mời thầu cần công khai, minh bạch về danh tính các nhà thầu tham gia dự thầu và các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… trong hồ sơ mời thầu.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, diều quan trọng không kém là phải có cơ chế kiểm soát sau khi đấu thầu.
Trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của nhà thầu, ngoài hồ sơ đề xuất của nhà thầu cần có sự đối chứng với thực tiễn, đó là các sản phẩm cụ thể, máy móc, thiết bị cụ thể chứ không chỉ căn cứ vào năng lực trên “giấy”.

Theo quy định, hiện nay, chấm thầu căn cứ theo hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Tuy nhiên, khi bên chấm thầu cảm thấy nghi ngờ về các số liệu trong hồ sơ dự thầu cần phải kiểm tra thực tế ngay. Trước đây, đã xảy ra tình trạng nhiều nhà thầu đi “mượn” năng lực của đơn vị khác để mang đi đấu thầu, sau khi đấu thầu xong thì họ trả lại.

Điều quan trọng bây giờ là phải có cơ chế kiểm soát sau khi đấu thầu. Bởi, đôi khi chúng ta làm công tác đấu thầu rất công phu, bài bản, tốn nhiều thời gian nhưng không có cơ chế kiểm soát hậu đấu thầu thì rất dễ dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Sau đấu thầu, bắt tay vào triển khai thực tiễn mới là quan trọng, bên mời thầu phải kiểm tra chặt chẽ xem năng lực trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu về thiết bị, máy móc, nhân lực có đúng không.

“Tôi còn nhớ trước đây làm hầm Hải Vân, tư vấn giám sát người Mỹ đã phải đến tận nơi xem năng lực của từng chỉ huy trưởng công trường, nhân lực, thiết bị của nhà thầu thi công. Nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện quy trình như thế, trước khi triển khai ngoài công trường họ đều đánh giá năng lực của các nhà thầu, soi xét lại hồ sơ dự thầu xem có đúng thực tế không? Nếu không đúng là họ mời nhà thầu ra khỏi công trường ngay và thay thế bằng nhà thầu kế tiếp…”, PGS.TS. Trần Chủng cho biết./.

Nguồn CafeF

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan