CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Năm 2020 tỉnh Bình Dương có 114 dự án bất động sản được cấp phép

Chuyên Gia 13:00 02/10/2020

Số liệu trên được ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đưa ra tại Hội thảo “Bất động sản Bình Dương - Cơ hội đầu tư mới” diễn ra ngày 1/10 tại Bình Dương. Theo ông Ngân thì đây là các dự án nằm trong danh sách đạt chuẩn và được phê duyệt bản đồ quy hoạch 1/500.

Bất động sản Bình Dương đứng trước nhiều cơ hội đón sóng đầu tư.

Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một có 15 dự án; thành phố Thuận An có 36; thành phố Dĩ An có 23; TX Tân Uyên có 23; TX Thị Xã Bến Cát có 11; huyện Bàu Bàng có 6.

Ngoài ra, ông Ngân cho rằng, việc phát triển nhà ở, đô thị luôn được Tỉnh ủy, HĐND quan tâm chỉ đạo giải quyết. Ngoài thu hút nhiều dự án bất động sản, hiện tỉnh cũng quan tâm nhà ở xã hội, bởi tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, người lao động đến từ nhiều nơi.

Bởi mỗi năm, Bình Dương cần thêm hàng chục ngàn lao động để đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Bình Dương nhiều năm liên tiếp nằm trong top các tỉnh thu hút FDI nhiều nhất cả nước đã kéo theo lượng lớn các chuyên gia đến từ nước ngoài về đây sinh sống và làm việc. Do đó, tiềm năng phát triển dự án nhà ở tại tỉnh là cực kỳ lớn.

Tuy nhiên, với số lượng dự án quá nhiều như trên, tại Hội thảo nhiều ý kiến lo ngại rằng việc nguồn cung quá nhiều trong khi mức thu nhập của người dân Bình Dương là chưa tương sứng. Ông Võ Văn Tuấn, một người dân tại tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay mức giá bất động sản tại Bình Dương đang ngang ngửa với TP.HCM, cụ thể giá chung cư bình quân tại tỉnh này đang là trên 40 triệu/m2, đất nền cũng có giá trên 45 triệu/m2, trong khi mức thu nhập của người dân lại đang trong khoảng trên 10 triệu đồng/1 tháng.

Ngoài ra, điểm nghẽn nữa của thị trường bất động sản Bình Dương là giao thông kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng đang bị hạn chế. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản Bình Dương đang không có tính kết nối với các tỉnh lân cận, tắc nghẽn ở các cửa ngõ ra vào các tỉnh trong khu vực dù cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ trong tỉnh rất tốt. Lấy ví dụ cụ thể về câu chuyện này, ông Châu cho biết một số đường giao thông chưa kết nối tốt với tỉnh Đồng Nai và TP.HCM. Cụ thể trên tuyến đường quốc lộ 13 đi vào TP.HCM thường xuyên kẹt xe, đường còn hẹp. Ngoài ra cả trong vận tải hàng hoá từ TP.HCM đi Bình Dương cũng không được thuận lợi khi giao thông tắc nghẽn ở các cảng, nhà ga lớn đến TP.HCM như ở ga Sóng Thần.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện hơn nữa để giải quyết câu chuyện kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, đối với tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế như có tầm nhìn quy hoạch tốt, trong đó phát triển nhà ở gắn liền với phát triển nhà ở xã hội”, ông Châu nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là nơi kết nối toàn cầu chứ không chỉ riêng gì ở trong nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay tính kết nối của tỉnh chỉ ở mức bình thường nên cần phát huy lợi thế này hơn trong tương lai.

"Cần có cơ chế chính sách thay đổi để tỉnh Bình Dương phát triển hơn nữa. Và đây là thời điểm này cần tạo ra sức mạnh, sức bật cho tỉnh Bình Dương phát triển xứng tầm", PGS.TS Trần Đình Thiên nêu.

Còn ở góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Đinh Hải Ninh, Giám đốc Công ty Hưng Phước cho biết, thị trường bất động sản của tỉnh Bình Dương rất tiềm năng, cuốn hút nhà đầu tư trong thời gian tới. Dưới góc độ nhà phân phối, phát triển dự án bất động sản, ông Ninh lo lắng đến năng lực tài chính, trách nhiệm của các nhà đầu tư bất động sản hiện nay.

“Chúng tôi đồng hành cùng nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ nhưng thực tế có một số nhà đầu tư “mang con bỏ chợ”, khách hàng phải tự lo sổ hồng. Do đó mong cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn trong vấn đề lựa chọn nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi cho người dân”, ông Ninh nói.

Vấn đề trách nhiệm của quản lý của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho rằng, địa phương cần công bố công khai thông tin các dự án đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện để người dân biết.

Trước những lo ngại về câu chuyện phát triển bất động sản Binh Dương thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo định hướng tỉnh Bình Dương đến năm 2021-2025, nơi đây sẽ tiếp tục xây dựng trở thành đô thị văn minh hiện đại thành một trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực, trong đó chắc chắn có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

“Thời quan qua tỉnh Bình Dương xác định luôn cùng các doanh nghiệp đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để cùng Bình Dương xây dựng ngày càng hiện đại hơn nữa. Thành quả là đã thu hút đầu tư, an sinh xã hội, đặc biệt là các hoạt động về bất động sản, xây dựng nhà ở có nhiều khởi sắc. Đối với lĩnh vực bất động sản còn nhiều vấn đề để tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm. Tỉnh luôn lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia bất động sản để định hướng tốt hơn trong tương lai”, ông Thanh Trúc khẳng định.

Nguồn Nhà Đầu Tư

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan