CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhiều nhà băng đã sớm cạn hạn mức (room) tín dụng được cấp và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.
Từ tháng 4/2021, một số nhà băng đã tiệm cận room tín dụng được giao như ACB, Sacombank, HDBank, SeABank…
Được nới room
Cầu vốn cải thiện, nên một số nhà băng đã sớm sử dụng hơn phân nửa hạn mức tín dụng, thậm chí gần cạn room tín dụng chỉ sau chưa đầy 2 quý kinh doanh đầu năm 2021.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 cho các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng năm nay thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 5,1%. Từ tháng 4/2021, một số nhà băng đã tiệm cận room tín dụng được giao như ACB, Sacombank, HDBank, SeABank…
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng sẽ căn cứ vào tình hình, nếu sử dụng hết room tín dụng sẽ trình Ngân hàng Nhà nước để xin nới thêm.
Ngân hàng Nhà nước thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đầu năm, cơ quan này tiếp tục có đợt nới “room” lần 2 vào nửa cuối năm. Điều này cũng dẫn đến việc các tổ chức tín dụng sử dụng hết hạn mức ngay từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi Ngân hàng Nhà nước xét duyệt nới thêm room tín dụng đợt 2.
Đó cũng là lý do các ngân hàng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20-30% trong năm nay, cho dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước thông tin từ đầu năm 2021 là 12%. Theo kiến nghị của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng.
Theo đó, ACB, MB có khả năng được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng năm 2021 lên 15%. Hết quý I/2021, room tín dụng của MB được cấp là 9%, nhưng 5 tháng đầu năm MB đã cạn room và dùng vượt chỉ tiêu room tín dụng được cấp. Do vậy, để tăng trưởng, Ngân hàng bắt buộc phải xin chỉ tiêu nới thêm room tín dụng là 15%.
Đối với ACB, hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cả năm là 9,5%, nhưng đến thời điểm này, room tín dụng đã cạn, nên Ngân hàng đang đề xuất xin nới lên 15%.
Nới room theo tiêu chí nào ?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, bất chấp đại dịch Covid-19, khối ngân hàng tư nhân nói chung, đặc biệt là các ngân hàng MB, ACB, vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao nhất cho MB, ACB.
Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động trong năm 2021.
Vả lại, các ngân hàng cũng đang tăng vốn điều lệ để tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho vay. Lãnh đạo ACB cho hay, việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của Ngân hàng.
Gần 2 quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 5,1%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020; cơ cấu nợ cho gần 258.000 khách hàng; miễn, giảm lãi suất gần 1,3 triệu tỷ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 6/2021, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, dự kiến đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn, nên cần thiết phải nới room tín dụng cho các nhà băng cho vay.
Nhiều ý kiến từ các nhà phân tích cho rằng, về lâu về dài, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc việc cấp “room” tín dụng theo Hệ số An toàn vốn (CAR), để tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà băng.
THEO BÁO ĐẦU TƯ