CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhà phố cho thuê, trung tâm thương mại tại Hà Nội đang… rơi tự do

Invest Global 18:02 18/12/2021

(KTSG) – Nhà phố và trung tâm thương mại cho thuê là hai phân khúc hiện đang rơi vào tình trạng thê thảm nhất của thị trường bất động sản tại Hà Nội.

Giá cho thuê không đồng vẫn ế

Hàng Bông vốn dĩ là con phố sầm uất và hấp dẫn nhất Hà Nội về kinh doanh thương mại. Do đó đây là con phố có giá cho thuê mặt bằng đắt đỏ nhất Hà Nội thời chưa có Covid-19 xuất hiện.

Thế nhưng hiện tại, chỉ cần đi trên khoảng một cây số – chiều dài của con phố Hàng Bông thì mọi người cũng có thể khái quát, mường tượng về tình kinh kinh doanh thương mại của Hà Nội mùa dịch bệnh. Một con phố vốn kinh doanh sầm uất nhất Hà Nội trước dịch mà đến nay có tới 20-30% số cửa hàng đóng cửa hoặc treo biển cho thuê cửa hàng. Có đến 90% số khách sạn trên con phố này được đóng cửa, không hoạt động vì không có khách.

Chị Hương, một chủ nhà trên phố Hàng Bông cho biết, trước đây gia đình chị có cửa hàng gần 40 mét vuông cho thuê trên con phố này. Thời kỳ cao điểm nhất, nhà chị cho các hãng bán đồ thể thao thuê với giá khoảng 70triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi dịch diễn ra một thời gian thì các hãng trả cửa hàng do không kinh doanh được. Sau đó nhà chị để trống mãi mới tìm được khách cho thuê lấp chỗ trống tạm với giá 20 triệu đồng/tháng, những tháng giãn cách xã hội không tính tiền cho thuê nhà.

Chị Hương cho hay, chị đã sinh sống trên con phố Hàng Bông gần 40 năm nay và chưa bao giờ thấy số cửa hàng đóng cửa, không có khách thuê như bây giờ.

Cách nhà chị Hương chừng một cây số là phố Tống Duy Tân, nơi có mặt bằng khách sạn cho thuê của nhà chị Linh. Chị Linh cho hay khi dịch diễn ra được một thời gian, du lịch bị đình trệ nên khách sạn không có khách. Làm ăn khó khăn, người thuê khách sạn của chị Linh nhiều năm định trả nhà, tạm dừng kinh doanh khách sạn.

Tính đến việc lấy lại nhà cũng không thể tiếp tục kinh doanh mà bỏ không thì hỏng. Gia đình chị Linh thuyết phục người thuê mặt bằng tiếp tục thuê để kinh doanh cầm chừng với giá cho thuê 0 đồng, chờ dịch đỡ thì mới đàm phán tiếp về giá thuê. Tuy nhiên, chị Linh cho biết sau khi cầm hơn một năm qua vắng khách thuê – do dịch bệnh nên du lịch bị hạn chế – người thuê khách sạn đã trả lại mặt bằng. Bởi họ cho biết mặc dù được cho thuê với giá 0 đồng họ vẫn phải chi phí điện nước, nhân viên… mà không có khách nên không thể tiếp tục duy trì. Và hiện nhà chị Linh đành bỏ không khách sạn, chờ dịch qua đi và du lịch phục hồi mới mong tìm được khách thuê khách sạn kinh doanh.

Hiện không có con số thống kê nào cho thấy Hà Nội hiện có bao nhiêu nhà phố phải bỏ trống, không có khách thuê hoặc treo biển cho thuê. Song đi trên các con phố khắp Hà Nội mọi người có thể cảm nhận được về bức tranh thương mại của Hà Nội mùa dịch thông qua số cửa hàng đóng cửa, treo biển tìm khách thuê trên hầu khắp các con phố ở Hà Nội.

Một số ngành vẫn duy trì thuê mặt bằng nhưng giảm so với trước

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của mọi người làm sức mua giảm, các cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên trả mặt bằng. Ngoài ra những thời điểm giãn cách xã hội, không thể ra đường làm cho mọi người có xu hướng mua hàng qua mạng tăng.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Công ty bất động sản Savills Hà Nội, các sàn thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố, tuy nhiên, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh.

Đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ dưới ảnh hưởng của thương mại điện tử và dịch bệnh Covid-19, bà Minh cho biết: “Trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến. Thị trường Việt Nam cũng có những diễn biến tương tự”.

Tuy nhiên Savills cho biết một số ngành kinh doanh vẫn giữ được khách thuê mặt bằng như nhà hàng, mỹ phẩm và thời trang. Bởi người Việt vẫn có nhu cầu đến nhà hàng cao hơn so với đặt hàng mang về, do khách hàng ưa thích trải nghiệm cảm giác được phục vụ tại nhà hàng và không gian ăn uống. Còn các hãng mỹ phẩm vẫn cần các cửa hàng vật lý để giới thiệu quảng bá sản phẩm và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm của khách hàng. Đối với các thương hiệu mỹ phẩm, kênh thương mại điện tử có mục đích hỗ trợ tăng mức tiêu thụ và khó thay thế hoàn toàn các cửa hàng vật lý…

“Thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố, song các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng. Đơn cử, thay vì mở 10 điểm hay 20 điểm tại một thành phố, các nhãn hàng lớn có thể thu giảm còn một nửa số cửa hàng mà vẫn đảm bảo được khả năng tiêu thụ của sản phẩm,” bà Minh nói.

Tỷ lệ trống trung tâm thương mại cao

Không khác gì thị trường nhà phố cho thuê, thị trường cho thuê cửa hàng tại các trung tâm thương mại cũng lâm cảnh tương tự. Hiện tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội số diện tích bỏ trống do doanh nghiệp trả mặt bằng khá lớn. Một số trung tâm thương mại chỉ còn duy trì được một nửa số cửa hàng so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án trung tâm thương mại mới nào đi vào hoạt động trong quí 3 vừa qua. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn một triệu mét vuông. Việc các dự án bán lẻ hoãn lại thời điểm khai trương do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tới nguồn cung năm nay của thị trường này tại Hà Nội.

Tính đến hết quí 3 vừa qua, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm của Hà Nội tiếp tục giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp. Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 đô la Mỹ/m2/tháng, giảm 4% theo quí và giảm 4% theo năm.

Về tỷ lệ trống, Theo số liệu của công ty bất động sản CBRE Việt Nam thì tính đến hết quí 3 vừa qua, tỷ lệ trống tại các trung tâm thương mại cho thuê tại trung tâm Hà Nội khoảng gần 11%, còn khu vực ngoài trung tâm khoảng 15% (tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái). Một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao từ 35-45%.

Tại khu vực trung tâm, trong quí 3 vừa qua, giá chào thuê trung tâm thương mại trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm 1% so với quí trước và đạt 103 đô la Mỹ/m2/tháng. Khu vực trung tâm Hà Nội ghi nhận tỷ lệ trống trung tâm thương mại trung bình ở mức 10,5%.

Đứng trước diễn biến kéo dài của dịch bệnh, cả chủ đầu tư lẫn khách thuê đều chủ động điều chỉnh để thích ứng với tình hình. Một số chủ đầu tư lớn đều đã triển khai những chính sách hỗ trợ khách thuê hiện tại như miễn phí hoàn toàn tiền thuê trong thời gian trung tâm thương mại đóng cửa, hay đối với các khách thuê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Đối với khách thuê mới, giá thuê cũng sẽ được thỏa thuận để phù hợp với tình hình thực tế. Một số chủ đầu tư cũng thực hiện tái cơ cấu chức năng của tòa nhà để tối ưu hơn như giảm thiểu diện tích bán lẻ trống sang cho thuê văn phòng. Bên cạnh đó, các nhãn hàng cũng tích cực phát triển mô hình bán hàng đa kênh để đảm bảo nguồn doanh thu trên các sàn thương mại, mạng xã hội, ứng dụng mua sắm.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan