CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhập rau quả từ Trung Quốc tăng 74%

Invest Global 13:58 28/09/2022

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8, cả nước chi gần 1,26 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc chiếm 37,52% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam với kim ngạch 472,83 triệu USD, tăng mạnh 74% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 200 triệu USD.

-5962-1664337328.png

Thị trường Trung Quốc chiếm 37,52% kim ngạch nhập khẩu rau quả cả nước 

Ngoài Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu lớn của mặt hàng rau quả như: Hoa Kỳ với kim ngạch 213,5 triệu USD; Australia 104,7 triệu USD; New Zealand 89 triệu USD; Myanmar 73,7 triệu USD; Nam Phi 45 triệu USD; Thái Lan 32,5 triệu USD…

Rau quả Trung Quốc, đặc biệt là quả (trái cây) đã tăng mạnh lượng nhập vào Việt Nam trong năm nay nhờ giá rẻ và chất lượng có sự cải thiện. Việc xuất khẩu sang các thị trường xa khó khăn cũng khiến lượng hàng đổ sang thị trường gần như Việt Nam nhiều hơn.

Theo số liệu từ Hiệp hội rau quả Việt Nam, ước tính tháng 9 xuất khẩu rau quả đạt 204,4 triệu USD, giảm 26% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt gần 2,4 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về nhập khẩu, ước tính tháng 9 nhập khẩu rau quả đạt 204 triệu USD, tăng 10% so với tháng trước và tăng 63,2 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay các loại trái cây như: Lựu, nho, lê, táo Trung Quốc đang rất nhiều trên thị trường Hà Nội; các loại rau củ như: Cà rốt, hành tây, hành, tỏi,… cũng đang chiếm lĩnh thị trường. 

Đặc biệt, rau quả Trung Quốc không chỉ được bán ở kênh chợ truyền thống, hàng rong mà bắt đầu xuất hiện tại một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi và ghi rõ thông tin về xuất xứ.

Ngược lại, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc giảm mạnh. Trong 8 tháng qua chỉ đạt 967 triệu USD, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng qua là do Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, xung đột giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường này ngày nay cũng trở nên khó tính hơn với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, xuất khẩu rau quả khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2022. Nhất là mới đây, các tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam (sầu riêng, chanh leo) được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới.

Từ thực trên, các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần làm hiện tại là cần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường khó tính. Song song với đó, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, do đó, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.

Thanh Hoa

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan