CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhìn lại quy hoạch điện VII: Thành quả và các vấn đề đặt ra

Chuyên Gia 10:14 09/10/2020

Nhìn lại gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát quan điểm phát triển và đạt được nhiều mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết trong Quy hoạch điện VIII.

Cơ bản đáp ứng mục tiêu

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW, trong đó: Các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Về định hướng phát triển lưới điện theo quy hoạch là: Xây dựng và nâng cấp lưới điện, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới điện truyền tải; đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp của lưới điện truyền tải; bảo đảm cung ứng điện với độ tin cậy được nâng cao cho các trung tâm phụ tải…; Lưới điện có khả năng liên kết với các nước trong khu vực; đảm bảo cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Trong đó, lưới điện truyền tải 500kV đạt 2.746 km, lưới điện 220kV đạt 7.488 km; tổng dung lượng các trạm biến áp đạt 61.666MVA.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Trong đó, 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và phương hướng, kế hoạch thực hiện lập Quy hoạch điện VIII tại Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội mới đây cho thấy, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Cụ thể, tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao thời gian qua; nguồn điện các loại đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch; lưới điện truyền tải được xây dựng đạt khoảng (70-90)% của cả giai đoạn 2016-2020.

Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã chính thức vận hành ngày 1 tháng 7 năm 2012 và đạt được các kết quả tích cực. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 1 tháng 1 năm 2019.

Những tồn tại cần khắc phục

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song Quy hoạch điện VII vẫn còn một số tồn tại, như: Cơ cấu, nhu cầu sử dụng điện ở các ngành kinh tế, vùng miền có sự thay đổi yêu cầu phải phân bổ, bố trí lại. Vẫn còn hiện tượng quá tải ở đường truyền tải quốc gia và một số địa phương…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Quy hoạch điện VII vẫn còn có quan điểm khá “cứng”, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án... Đáng lưu ý, Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó, có việc dừng lại các dự án điện hạt nhân, một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam bộ không triển khai được và nhiều dự án điện đầu tư theo hình thực BOT chậm tiến độ...

Còn theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), việc triển khai Quy hoạch điện VII chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề văn bản pháp lý như: Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong việc thực hiện; trình tự, thủ tục về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định trong Luật Xây dựng; Luật Đất đai năm 2013 thay đổi, phải chờ các Nghị định, Thông tư và Quyết định hướng dẫn trình tự, thủ tục, chính sách của UBND các tỉnh…

Bên cạnh vấn đề pháp lý, việc thu xếp vốn của các Tập đoàn, Chủ đầu tư trong nước rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn; Các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận; việc thu xếp các nguồn vốn trong nước cũng tương tự vì hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: Năng lực tài chính, kỹ thuật, nguồn lực nhân sự của một số nhà đầu tư, tổng thầu không đảm bảo, khiến tiến độ dự án bị chậm.

Về chủ quan, dù có nhiều dự án đã nằm trong quy hoạch nhưng một số địa phương không ủng hộ đầu tư xây dựng nhiệt điện than trên địa bản tỉnh, khiến dự án không thể triển khai theo đúng quy hoạch, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về Quy hoạch điện VIII với nhiều quan điểm mới, linh hoạt, dự báo khắc phục được những tồn tại của Quy hoạch điện VII.
(Theo Công Thương)

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan