CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhóm ngành xuất khẩu nào của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine?

Invest Global 15:40 28/02/2022

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay kim ngạch xuất khẩu hai thị trường Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021. Vì vậy, xung đột giữa 2 nước xảy ra không tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam mà chỉ tác động gián tiếp từ biến động giá các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như xăng, dầu, gas...

Gạo, thép, dầu khí, phân bón... sẽ được hưởng lợi

Trao đổi với VnBusines, nhiều chuyên gia cho rằng, ở góc độ toàn cầu các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Một chuyên gia kinh tế cho biết, đối với nhóm ngành lương thực, chiến tranh leo thang sẽ làm ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu khi Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ nhất và thứ tư thế giới, 2 quốc gia này chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô.

phan-bon-jpeg-8301-1646030680.jpg

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón sẽ gia tăng khi Nga cấm xuất khẩu Amoni nitrat sang các nước EU. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu.

Với thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành 1 sản phẩm thay thế cho lúa mì hay ngô

Trong khi đó, công ty chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra ba nhóm ngành sẽ được hưởng lợi bao gồm: Dầu khí, phân đạm và thép.

BSC phân tích, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn, và với một đất nước sản xuất và xuất khẩu phân bón tốt như Việt Nam thì đây là một cơ hội rất sáng.

Cụ thể, hiện nay, Nga là thị trường cung cấp 75% (khoảng 15 triệu tấn mỗi năm) nguồn cung toàn thế giới. Động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. 

Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao. Do đó, BSC đánh giá các doanh nghiệp phân bón trong nước nắm bắt cơ hội để tăng xuất khẩu.

Đối với mặt hàng giá xăng dầu tăng cao, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như PVS và PVD dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.

Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp trong những mảng xăng, dầu, gas.. sẽ được hưởng lợi khi mặt bằng giá một số loại hàng hóa chung tăng lên.

Nhóm ngành được BSC đề cập có thể hưởng lợi tiếp theo là thép. Khi lệnh cấm vận được EU ban hành, lượng thép từ Nga xuất khẩu sang các nước trong khu vực này sẽ giảm.

“Các doanh nghiệp thép trong nước như NKG, HSG sẽ tăng cơ hội xuất khẩu mạnh vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ. Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU”, BSC đánh giá.

Làm gì để tận dụng được cơ hội?

Chia sẻ với VnBusiness, một số chuyên gia nhận định, khi Ukraine khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt.

Nhìn dưới góc độ nhà tư vấn, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT nói, các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ đối với Nga sẽ trở thành cơ hội đầu tư rất tốt cho nhiều ngành khác khi EU có thể dời hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định như khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam phải làm thế nào để có đủ khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Các chuyên gia nhấn mạnh đến 3 yếu tố then chốt mà Việt Nam phải hoàn thiện đó là chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ. "Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần giữ cái đầu lạnh và có nước đi quản trị danh mục hợp lí thay vì lo lắng", ông Tuấn nói.

Cụ thể, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thời gian tời cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng hơn nữa. Bởi hiện nay Việt Nam đã gia nhập hàng loạt Hiệp định tự do mới.

"Rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới", một chuyên gia cho hay.

Bên cạnh đó, dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Thanh Hoa

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan