CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhức nhối nạn mạo danh thương hiệu bất động sản

Invest Global 13:43 18/05/2021

Nhức nhối nạn mạo danh thương hiệu bất động sản

Dù các doanh nghiệp bất động sản lớn liên tục đưa ra các cảnh báo, song nạn mạo danh thương hiệu vẫn chưa thể chấm dứt, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa "thoát nạn" mạo danh thương hiệu
Chỉ trong mấy tháng đầu năm, nhiều "ông lớn" bất động sản đã một lần nữa phải lên tiếng vì bị mạo danh thương hiệu, mạo danh cả tên dự án.

Cạnh tranh không lành mạnh

Đầu tháng 4/2021, Tập đoàn Đất Xanh đã phải đâm đơn kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước để khởi kiện CTy TNHH Một Thành viên Xây dựng và phát triển địa ốc Đất Xanh Bình Phước (Đất Xanh Bình Phước) về việc công ty này đã mạo danh tên thương mại của Tập đoàn Đất Xanh Group.

Doanh nghiệp này cho biết, Đất Xanh Bình Phước đã vi phạm nghiêm trọng việc sử dụng tên thương mại "Đất Xanh" mà đơn vị này đã đăng ký, sử dụng trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Đây là dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh, cố tình đặt tên gây nhầm lẫn thương hiệu.

Không những vậy, việc đơn vị trên bị phản ánh có hành vi cung cấp dịch vụ kém chất lượng đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Đất Xanh.

Trước đó, hồi giữa năm 2020, Đất Xanh Group cũng từng phải khởi kiện Công ty TNHH MTV bất động sản Đất Xanh Long An và dự án Đất Xanh Long An để bảo vệ thương hiệu của mình.

Tập đoàn Đất Xanh liên tục bị mạo danh thương hiệu. (Ảnh: thuonghieucongluan)
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest cũng cho biết thương hiệu Tràng An đã bị một dự án bất động sản tại 149 đường Trường Chinh sử dụng và gắn thêm chữ Residence để gắn cho dự án của mình. Ông Hiệp cho rằng sở dĩ nhãn hiệu Tràng An Complex bị nhái là do dự án này được thị trường đánh giá cao, "việc nhập nhèm tên dự án Tràng An Complex để đánh lừa khách hàng", ông Hiệp nói.

Tương tự, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc đã liên tục phải thông báo tới khách hàng về việc bị nhái thương hiệu gây ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn. Cụ thể, một doanh nghiệp vừa khai sinh có tên Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Phúc New gửi thông báo chào bán dự án ma kiểu Alibaba mang tên Hòa Long Riverside. Phía Tập đoàn Vạn Phúc khẳng định “Vạn Phúc New” không có mối liên hệ nào với Tập đoàn.

Bà Nguyễn Hương – TGĐ Đại Phúc Land cho biết, đây không phải là lần đầu tiên các chủ đầu tư lớn, các thương hiệu bất động sản uy tín bị nhái hay bị mạo danh để quảng cáo các sản phẩm đất nền giá rẻ, pháp lý không đầy đủ.

Bà Hương dẫn chứng liên tiếp trong vài tuần gần đây các thông tin các công ty mới thành lập cố tình nhái theo thương hiệu Vạn Phúc, Đại Phúc hay DaiPhuc Land, nhái luôn cả logo khiến khách hàng nhầm tưởng. Đường dây nóng công ty có ngày đã bị gọi vào nhiều cuộc điện thoại hoặc khách đến tận nơi để hỏi thông tin, doanh nghiệp đã phải cảnh báo, nhắc nhở khách hàng về những trường hợp mạo danh này.

Tuy nhiên sẽ có nhiều khách hàng hàng không xác minh lại thông tin mà sẽ theo các thông tin quảng cáo dẫn đến rủi ro khôn lường khi giao dịch với những đơn vị này.

Cần chế tài xử phạt mạnh

“Thường là theo số điện thoại quảng cáo, khách hàng liên hệ và sẽ được nhân viên môi giới hẹn đến một địa điểm nào đó để đi xem dự án. Dự án này có thể khác xa địa điểm đã đề cập trên quảng cáo mà khách hàng đã được giới thiệu trước đó với giá cả rất hấp dẫn. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười và khách phải than trời với kiểu lừa đảo trắng trợn này” – bà Hương cho biết.

Các tình trạng này tiếp diễn ngày một nhiều hơn khiến khách hàng hoang mang thật giả lẫn lộn làm cho niềm tin khách hàng vào thị trường ngày càng suy giảm. Hàng chục thương hiệu lớn đã liên tục bị mạo danh trong thời gian dài, có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Nguyễn Hương, đã đến lúc cần sự chế tài mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để chấm dứt tình trạng này. Đơn cử như phạt hành chính thật nặng, rút giấy phép, ngưng cho hành nghề thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng... sẽ làm chùn bước những kẻ muốn làm ăn kiểu “chộp giật”.

Trong khi đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Hà Thị Khuyên - VPLS Chính Pháp cũng cho rằng, việc mạo danh doanh nghiệp khác là vi phạm Luật Cạnh tranh (2018). Đồng thời, việc mạo danh doanh nghiệp BĐS còn có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự (2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Do đó, các doanh nghiệp bất động sản khi phát hiện bị mạo danh bất hợp pháp để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… thì cần phải trình báo sự việc đến cơ quan chức năng để thanh tra, điều tra xác minh, làm rõ trách nhiệm xử lý theo pháp luật.

Đồng thời thực hiện ngay việc lập vi bằng, yêu cầu cá nhân và tổ chức đó đăng tin cải chính. Ngoài ra, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra toà, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh.

Để tránh bị mạo danh, nhái thương hiệu, các doanh nghiệp bất động sản cần đăng ký logo nhãn hiệu, thương hiệu cho chuỗi sản phẩm bất động sản của mình với Cục sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng cần tiếp cận với các thông tin qua các nguồn chính thống, đặc biệt từ chối nộp tạm ứng tiền tiền hay đặt cọc khi chưa nắm hết thông tin về sản phẩm bất động sản muốn mua.

DIỆU HOA

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan