CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ là khuôn khổ pháp lý đồng bộ để phát triển toàn diện lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn 10 năm tới, tránh "vỡ", "vá" như Quy hoạch điện VII.
Sắp trình đề án Quy hoạch điện VIII
Trao đổi với Nhadautu.vn ngày 16/10, một lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 30/10 tới đây.
Nhu cầu điện tăng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao; tình hình triển khai nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than còn chậm tiến độ; xu hướng truyền tải điện thay đổi trong thời gian tới; nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm... là những vấn đề thực tiễn đặt ra và yêu cầu được sửa đổi, hoàn thiện trong quy hoạch điện VIII.
Đề án Quy hoạch điện VIII sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất ngày 30/10/2020.
Phát biểu tại hội thảo lần hai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện tăng thêm so với năm 2020 khoảng gần 80.000 MW, trong đó các nguồn điện lớn (các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW, các nhà máy điện gió trên bờ và trên biển và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW).
Tuy nhiên, phần lớn các nguồn điện tăng thêm này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu.
"Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như trước đây, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại. Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Việt Nam và các nước láng giềng về khả năng nhập khẩu điện tới 2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá trong Đề án lần này, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ.
“Quy hoạch điện VIII là quy hoạch hạ tầng phát triển điện lực quốc gia, là quy hoạch có tính hệ thống rất cao, có sự gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế xã hội, không gian đô thị… Chính vì vậy, Quy hoạch điện VIII cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Trước đó, tại buổi làm việc chuyên đề Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra yêu cầu: “Quy hoạch điện VIII phải là quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII, đồng thời mang tính định hướng, không cứng nhắc, mang tính mở, tạo ra không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,...
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE
Những lưu ý trong Quy hoạch điện VIII
Trả lời câu hỏi trong Đề án Quy hoạch điện VIII cần có những nội dung chủ yếu nào? GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, có 4 điểm lớn mà Quy hoạch điện VIII cần làm được.
Một là hoàn thiện thể chế về năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, nghiên cứu tính cần thiết xây dựng một luật riêng về năng lượng tái tạo.
Hai là làm lại quy hoạch. Quy hoạch hiện nay vẫn được làm theo kiểu cũ, trung ương làm quy hoạch chung cho cả nước rồi sau đó bắt các địa phương ở dưới điều chỉnh phát triển theo quy hoạch trên. Như vậy sẽ không sát với thực tế địa phương.
Cùng với đó, theo GS. Nguyễn Mại, quy hoạch mới cần hướng tới Big Data - một hệ dữ liệu quốc gia về năng lượng, bản đồ về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xem ở đâu nhiều đâu ít, tháng nào nhiều gió tháng nào ít. Đây là điều nhiều nhà đầu tư đã đề cập và rất mong muốn có được.
"Không có hệ dữ liệu quốc gia, nhà đầu tư buộc phải mò mẫm, làm từ đầu rất vất vả, tốn kém. Trong khi đó không khó để làm Big Data, để có cơ sở cho cả nhà nước, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận. Chúng ta hoàn toàn có thể bán những thông tin như vậy", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Thứ ba theo GS. Nguyễn Mại là yêu cầu về chính sách. Chỉ hai Quyết định 11 và Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời và điện gió đã tạo ra bước thay đổi đột phá. Do đó, GS. Nguyễn Mại cho rằng, chính sách và cơ chế vô cùng quan trọng. Tuy nhiên cơ chế, chính sách phải minh bạch, công khai, ai cũng tiếp cận được, ổn định và cũng đủ linh hoạt để điều chỉnh theo hướng phát triển chứ không phải theo hướng kìm hãm. Cùng với đó là xử lý theo nguyên tắc không hồi tố.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng và then chốt, theo GS. Nguyễn Mại là vấn đề tổ chức thực hiện. Chính sách có thể tốt nhưng tổ chức thực hiện mà nhũng nhiễu, thủ tục phiền hà thì cũng rất khó có hiệu quả. Vì thế, yêu cầu áp dụng Chính phủ số để tránh cơ chế xin cho, sách nhiễu nhà đầu tư là rất cấp thiết.
"Toàn bộ hệ thống quản trị nhà nước phải áp dụng Chính phủ số cấp 4. Chính phủ phải làm được việc này trong năm 2021 để tránh trường hợp doanh nghiệp phải xin xỏ. Qua nền tảng số, Chính phủ cung cấp thông tin để nhà đầu tư đưa ra quyết đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, theo dõi, hướng dẫn đầu tư, kiểm tra, giám sát...", GS. Nguyễn Mại khuyến nghị.
Chia sẻ thêm về một vấn đề mới cũng nên được đặt ra theo hướng mở trong quy hoạch điện VIII, GS. Nguyễn Mại chia sẻ, có nhiều nhà đầu tư trong nước đang ấp ủ những dự án về năng lượng thuỷ triều. "Đây là nguồn năng lượng vô tận. Đã có những thành quả rõ rệt ở Anh khi cả một vùng biển tạo ra nguồn năng lượng vô hạn".
"Nước ta có bờ biển dài, thềm thục địa 1 triệu km2 gấp 3 lần diện tích đất liền là một tiềm năng lớn cho năng lượng thuỷ triều. Đây là vấn đề không phải ngày một ngày hai nhưng nên được lưu ý cho tương lai, làm cơ sở để có những nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới", Chủ tịch VAFIE nhìn nhận.
GS. Nguyễn Mại cũng đánh giá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị không chỉ yêu cầu đảm bảo đủ năng lượng mà còn nghĩ tới xuất khẩu điện, đặt vấn đề nâng cao năng lực, sản xuất các thiết bị điện như cột, tuabin. "Chúng ta có dư địa lớn về nguồn điện và đủ sức nghiên cứu, làm công nghệ, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước vào công nghiệp sản xuất các thiết bị bảo đảm cung cấp, thay thế dần nhập khẩu khoảng 30-40%".
Nguồn Nhà Đầu Tư