CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Cho đến thời điểm hiện tại đã có 5 ngân hàng thông báo lợi nhuận quý 3, luỹ kế 9 tháng 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả vượt kỳ vọng của nhà đầu tư trước các thông tin tiêu cực về nợ xấu, giảm lãi suất.
Ảnh: Trọng Hiếu
NCB là ngân hàng đầu tiên công bố BCTC quý 3 với lợi nhuận gấp 16 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 79 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận sau thời gian dài ngân hàng này thực hiện tái cơ cấu.
Luỹ kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 531 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.
Trước NCB, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với kết quả khá khả quan, trái ngược lo ngại gần đây về những khó khăn lớn với ngành ngân hàng.
Cụ thể, SHB vừa công bố kết quả 9 tháng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến 30/9, tổng tài sản SHB đạt 464.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch năm. Vốn điều lệ hiện là 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 26.674 tỷ đồng trong năm 2021 theo phương án đã được NHNN chấp thuận.
Kienlongbank công bố kết quả 9 tháng cho biết, đã thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%. Tổng tài sản Kienlongbank tính đến ngày 30/9 đã vượt 113,38% kế hoạch năm, ở mức 75.485 tỷ đồng, cao hơn 31% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng thực hiện 80% chỉ tiêu năm, tương đương 47.450 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 92,04% kế hoạch năm.
Với HDBank, ngân hàng sau 9 tháng đã hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương 5.970 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1%. Đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng 16,1% so với cùng kỳ.
TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả 9 tháng và cho biết đã hoàn thành 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3, nhà băng này lãi 1.344 tỷ đồng, tăng 36%. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng tính đến 30/9 đã tăng 15%; tổng tài sản ở mức 260.328 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và vượt hơn 4% kế hoạch. TPBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Tổng huy động đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm. Theo TPBank, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tính đến 30/9 là 1,02%, giảm so với mức 1,1% cuối tháng 6.
Kết quả kinh doanh các ngân hàng công bố khá phù hợp với dự báo của SSI trong báo cáo mới đây.
Theo đó SSI cho rằng, lợi nhuận hầu hết các ngân hàng vẫn tăng trong quý 3 nhờ tăng trưởng tín dụng, tăng hệ số NIM. Luỹ kế 9 tháng lợi nhuận hầu hết các ngân hàng sẽ tăng từ 10-56%.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều ông lớn ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3, luỹ kế 9 tháng 2021. Tuy nhiên, có thể thấy bức tranh chung lợi nhuận ngành ngân hàng không "ảm đạm" như lo ngại trước đó. Đặc biệt, một vài ngân hàng nhỏ, nằm trong diện tái cơ cấu nhiều năm đang trở lại đường đua.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ