CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp giao Bộ Tài chính nghiên cứu việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình 5347/TTr-BKHĐT về xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, năm 2020, Chính phủ đã cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.
Thực tế cho thấy, các chính sách này đã phát huy tác dụng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Trước thực tế một số địa phương (Quảng Nam, Ninh Bình) đã đề xuất cho phép tiếp tục gia hạn áp dụng các chính sách này đến hết năm 2021, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách này tại Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đánh giá tác động để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến đại dịch COVID-19.
Trước đó ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá và tính toán kỹ tác động theo đề xuất của doanh nghiệp. Từ đó, Bộ Tài chính cần đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.
Trước đó tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành hai giải pháp ngắn hạn để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đó là cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020.
Giải pháp thứ hai là cho phép tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020.
Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) cũng cho hay,, trước khi có các chính sách hỗ trợ trong năm 2020, nhiều nhà máy sản xuất ô tô như Honda, Ford, Toyota, Mercedes-Benz, TC Motor đã phải tạm dừng hoạt động để chống dịch. Hàng hóa sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được, tồn kho tăng và ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp. Các hãng cũng phải cắt giảm lao động thời vụ do sản xuất giảm.
Thống kê của VAMA cho thấy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 40% so với năm 2019.
Tuy nhiên, khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà đáng chú ý nhất là việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước thì dù doanh số bán hàng năm 2020 dù chưa đạt kế hoạch tăng trưởng như dự kiến cũng như không bằng doanh số của năm 2019 nhưng nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
THEO BÁO ĐẦU TƯ