CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

PGS-TS. Trần Đình Thiên: M&A đảo chiều, bùng nổ ở khối doanh nghiệp nội

Invest Global 16:21 16/10/2021

Nhàđầutư: Theo vị chuyên gia kinh tế, việc "dọn dẹp", cấu trúc lại doanh nghiệp sau khi "cơn bão" quét qua có thể sẽ tạo ra xu hướng đảo chiều và bùng nổ hoạt động M&A ở khu vực doanh nghiệp trong nước. 

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Dũng Minh)

Phát biểu tại Hội thảo M&A thời đại dịch do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/10, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện tại là thời điểm hợp lý để “dọn dẹp” lại các doanh nghiệp sau khi bị “cơn bão” quét qua. Đây có thể nói là cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải coi M&A như giải pháp để tự mình lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, tự mình đứng vững được. Đây là lợi ích của chính doanh nghiệp. M&A không phải chỉ là thu gom tài sản để lớn lên mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết, đây là giải pháp tăng sức mạnh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Do vậy, cần phải có những cơ chế tốt để đẩy mạnh quá trình M&A nhằm kéo doanh nghiệp, nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.

"Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi điều kiện, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp, thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước", PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.

Bàn về xu hướng M&A thời gian tới, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện các cơ hội mới, mà trong đó nổi lên là việc các doanh nghiệp nội tham gia vào thay đổi doanh nghiệp nội, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế.

Theo ông, đang có xu hướng đảo chiều trong M&A của khối doanh nghiệp nội, giai đoạn tới, việc dọn dẹp, cấu trúc lại doanh nghiệp bằng phương thức M&A có thể sẽ tạo ra sự bùng nổ hoạt động ở M&A ở khu vực này. 

"Trong bối cảnh bình thường, thị trường M&A sẽ có vai trò trung gian, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, đây là giải pháp cho sự lớn mạnh nhanh chóng của các doanh nghiệp nội, để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nếu trong 10 năm trước, M&A gần như là sân chơi của khối ngoại với các thương vụ mua bán, sáp nhập mà khối nội chỉ chủ yếu đóng vai trò bên bị mua, bên kháng cự, thì nay đã khác, nhiều doanh nghiệp Việt với chiến lược M&A đúng đắn đã lớn mạnh, lật ngược thế cờ trở thành bên “đi săn” với các thương vụ lớn, hoạt động M&A cũng vượt ra khỏi biên giới và mang tính khu vực, quốc tế nhiều hơn", PGS-TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Dẫn chứng cho điều này, ông cho biết, Massan Group đã thực hiện các thương vụ đình đám trên thị trường bán lẻ, Thaco đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, Vinamilk vươn mình ra thị trường thế giới, Vingroup “kéo phanh” hệ thống bán lẻ để mở rộng hệ sinh thái công nghiệp gắn với hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) ở tầm thế giới, hay NovaGroup đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành cho chiến lược phát triển bền vững trong tương lai là những minh chứng rất rõ ràng cho sự thay đổi trong hoạt động M&A thời gian gần đây.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xu hướng để gia tăng sức mạnh theo hướng tập trung vốn là “ta với ta”. Cho nên bây giờ, đặt vấn đề ngược lại là có cần liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để lớn lên không, thậm chí có một thao tác ngược đó là mở biên để M&A ra bên ngoài.

"Tôi cho rằng, điểm này doanh nghiệp Việt không nên tự ti, các doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh thì hà cớ gì chúng ta không vươn ra bên ngoài?”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói và cho rằng, đây là một trong các cơ hội mà các doanh nghiệp Việt nên tận dụng thời gian tới.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan