CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

PGS.TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đứng dậy sau Covid-19 sẽ được "thay máu" bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới

Invest Global 08:18 03/07/2020

PGS.TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đứng dậy sau Covid-19 sẽ được "thay máu" bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới

 
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đứng dậy sau Covid-19 sẽ được "thay máu" bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới

Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh: "Nếu tập trung cứu những doanh nghiệp cũ, sau dịch vẫn là những cái cũ thôi. Nhưng nếu cứu những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp đổi máu cho nền kinh tế, tạo ra một lực lượng mới"

Sáng ngày 2/7, tại trường Đại học kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội thảo quốc tế "Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số" do viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp cùng IFI và các đối tác trong và ngoài nước đồng tổ chức.

Bàn luận về vấn đề Kinh tế số và các vấn đề đặt ra cho Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thời đại này. Khi Covid-19 xảy ra, những gì liên quan đến kinh tế thực đứt đoạn, nhường chỗ cho kinh tế số. Kinh tế số ở đây bao gồm thương mại, thanh toán điện tử.

Về mặt kinh tế, nếu các đại dịch trước đây gây ra tổn thất cho loài người hàng chục tỷ USD thì đại dịch Covid-19 lần này, theo dự báo lạc quan nhất của ADB, có thể gây tổn thất 5% GDP, khoảng 4.000 tỷ USD trong năm nay.

Trong đại dịch Covid-19, mặc dù con người xảy ra tình trạng bị cô lập, nhưng chúng ta vẫn giải quyết được vấn đề chính là nhờ một hệ thống số. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức đời sống xã hội, thông qua hệ thống trực tuyến, online… của chuyển đổi số mà khiến khía cạnh này cũng thay đổi.

Nhìn chung, chuyển đổi số khiến cho tất cả các phương diện từ kinh tế đến xã hội và hoạt động quản lý nhà nước đều thay đổi. Sự thay đổi này khẳng định: nền kinh tế số đang thay đổi nền kinh tế thực, hay còn gọi là nền kinh tế vật thể. Nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được cần phải số hóa và tích hợp với nền kinh tế số, nếu không sẽ không thể lớn mạnh.

Ông Thiên lấy ví dụ, chẳng hạn như ở Việt Nam có một cuộc tranh luận, một cuộc đấu tranh về kinh tế số rõ rệt nhất đó là cuộc chiến của hai hãng taxi Grab, Uber với taxi truyền thống. Sự xung đột cho thấy sự khác nhau ở điểm cơ bản là "quyền lực hiện nay không phải thuộc về người có tài sản mà quyền lực thuộc về thông tin, thuộc về hệ thống điều hành".

Ông Thiên nhấn mạnh, khi nguồn lực thay đổi thì cấu trúc quyền lực thay đổi. Và khi quyền lực thay đổi thì các tổ chức điều hành cũng thay đổi. Trên nền tảng quản lý, quản trị và điều hành trong nền kinh tế số thì phải dựa trên một cấu trúc như vậy. Điều này cho thấy không phải chỉ có các doanh nghiệp mà cả nhà nước, xã hội cũng cần có một hệ thống quản lý và cơ chế vận hành để thay đổi.

Khi những liên hệ xã hội, liên hệ số mà gắn với toàn cầu trên mọi lĩnh vực, thì tính minh bạch đòi hỏi cao hơn rất nhiều. Vị chuyên gia này khẳng định: Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với thời đại kinh tế số, về mặt nội hàm có 2 tuyến nội dung lớn. Cụ thể:

Thứ nhất, làm thay đổi hệ thống nguồn lực hay thay đổi cấu trúc công nghệ. Cuộc cách mạng 4.0 khác hẳn các cuộc cách mạng trước. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đều diễn ra trong khuôn khổ của nền kinh tế vật thể, để thay đổi, cải tiến những công nghệ trong khuôn khổ nền kinh tế vật thể. Nhưng đến cách mạng công nghệ 4.0 thì logic diễn ra khác hẳn, tạo ra cơ hội rất lớn cho các nước chưa từng, chưa trải qua những tuần tự để nhảy vào logic mới.

Thứ hai, cách mạng công nghệ 4.0 thực sự là một cuộc cách mạng gắn liền về thể chế, cách mạng về quản trị, cách mạngvề những vấn đề liên quan đến tài sản và quyền lực. Đây cũng là một bài toán khó nhất của các nước đi sau.

"Tại Việt Nam, nhiều người cho rằng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thực sự là một cuộc cách mạng về thể chế", ông Thiên nói.

Đồng thời, PGS. TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh: Nước nào biết cách tập trung vào nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực nhiều hơn, tập trung khởi nghiệp sáng tạo nhiều hơn thì nước đó phát triển. Mặt khác, nước nào chuyển sang quản lý số nhanh hơn, hiệu quả hơn thì nước đó sẽ thắng. Và những nước nào có nhiều trung tâm khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết cơ sở hạ tầng thì lại càng phát triển.

"Thông điệp của tôi là tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ. Nếu tập trung cứu những doanh nghiệp cũ, sau dịch vẫn là những cái cũ thôi. Nhưng nếu cứu những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp đổi máu cho nền kinh tế, tạo ra một lực lượng mới. Khi đó, một thời đại doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện. Do đó, nền kinh tế đứng dậy sau Covid-19 sẽ được "thay máu" bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới" - ông Thiên khẳng định.

Phạm Hậu

 

Theo Trí thức trẻ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan