CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phát triển hydro xanh: tiềm năng rộng mở nhưng còn nhiều rào cản

Invest Global 09:55 17/07/2025

(KTSG Online) - Hiện Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển thị trường hydro xanh nhưng quá trình triển khai vẫn vướng nhiều rào cản về chi phí, công nghệ, cơ sở hạ tầng và chính sách.

Kinh tế xanh không thể phát triển nếu thiếu chính sách dẫn dắtVốn rót vào chậm lại nhưng kinh tế xanh vẫn là xu hướng phát triển

Chiều ngày 16-7, tại TPHCM, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Câu lạc bộ hydro ASEAN Việt Nam (VAHC), Hiệp hội hydro và pin nhiên liệu Hàn Quốc (KHFCIA) tổ chức Hội thảo hydro Việt Nam - Hàn Quốc 2025. Hội thảo này nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực chính sách hydro, công nghệ và các dự án, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng sạch toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện dầu khí Việt Nam, nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức để phát triển thị trường hydro xanh. Ảnh: Minh Thảo

Hydro xanh - giải pháp hướng tới trung hòa carbon

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hydro xanh được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, được xem là một giải pháp tiềm năng giúp giảm khí thải carbon trong các ngành công nghiệp. Hydro xanh không chỉ hỗ trợ quá trình giảm phát thải, mang lại lợi ích kinh tế mà còn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nước ta.

Theo ông Nguyễn Ánh Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ hydro ASEAN Việt Nam, hydro, đặc biệt là hydro xanhđang trở thành giải pháp chiến lược để Việt Nam hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tính đến tháng 5-2024 đã có ít nhất 74 quốc gia xây dựng xây dựng chiến lược phát triển hydro sạch. Điều này cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chính sách năng lượng toàn cầu.

Ông Tâm cho biết tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydro đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 165/QĐ-TTg nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc phát triển năng lượng sạch này. Trong chiến lược, hydro được xem là nhiên liệu sạch có vai trò đặc biệt trong việc giảm phát thải tại các ngành khó chuyển đổi như công nghiệp nặng, giao thông vận tải và phát điện.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất từ 100.000-500.000 tấn hydro sạch mỗi năm. Đến năm 2050, sản lượng hydro sạch dự kiến tăng lên 10-20 triệu tấn mỗi năm.

Để thúc đẩy mục tiêu này, Nghị định 58/2025/NĐ-CP được ban hành vào tháng 3-2025, đã đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho các dự án sản xuất hydro xanh và năng lượng tái tạo. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào về điện mặt trời, điện gió nên có tiềm năng rất lớn để sản xuất hydro xanh. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Vẫn vướng nhiều rào cản

Nhờ có lợi thế về năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió nên Việt Nam rất có nhiều tiềm năng lớn để sản xuất hydro xanh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện dầu khí Việt Nam, nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức để phát triển thị trường hydro xanh.

Thứ nhất là các công nghệ sản xuất hydro còn chưa phát triển. Các giải pháp điện phân, lưu trữ, vận chuyển và ứng dụng hydro quy mô lớn vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc thử nghiệm tại nhiều nước, chưa phổ biến tại Việt Nam.

Thứ hai là chi phí đầu tư cao. Hiện hydro xanh có giá thành cao hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Việc sản xuất cần công suất điện tái tạo lớn, thiết bị điện phân hiện đại và hệ thống lưu trữ an toàn. Tất cả đều yêu cầu vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi dài.

Theo ông Lương, thách thứ thứ ba là thiếu cơ sở hạ tầng. Việt Nam chưa có hệ thống ống dẫn, trạm nạp hay các trung tâm lưu trữ hydro quy mô lớn. Cuối cùng là chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ và dài hạn. Dù Chính phủ đã ban hành một số quyết định quan trọng như Quyết định 500/QĐ-TTg về quy hoạch điện VIII, Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp, Quyết định 165/QĐ-TTg về chiến lược hydro, nhưng các cơ chế cụ thể để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và đầu tư vào hydro xanh như giá hỗ trợ (FiT)*, hợp đồng chênh lệch (CFD) hay tín dụng carbon vẫn chưa rõ ràng.

Bên cạnh chi phí và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, ông Nguyễn Ánh Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ hydro ASEAN Việt Nam, cho biết nguồn nhân lực hạn chế cũng là rào cản để phát triển thị trường hydro. Bởi phát triển hydro không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn cần sự đồng bộ trong thể chế, tài chính và đào tạo nhân lực.

Hydro xanh được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Trước những thách thức hiện nay, ông Lương cho rằng Việt Nam cần có thêm lộ trình giảm phát thải rõ ràng, áp dụng cơ chế giá carbon, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hydro sạch. Cùng với đó là cần thành lập các quỹ xanh để tài trợ cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thử nghiệm các dự án thí điểm.

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị nên lồng ghép mục tiêu hydro vào các chiến lược đầu phát triển như tối ưu hoá quy trình, giảm phát thải và xây dựng lộ trình thâm nhập thị trường hydro thông qua hợp tác chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông Lương khuyến nghị Việt Nam nên tận dụng hợp tác quốc tế như Hàn Quốc trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và tiếp cận các quỹ tài chính xanh. Với sự hỗ trợ đúng hướng, hydro xanh có thể trở thành một trong những trụ cột mới trong chiến lược chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh của Việt Nam.

* FiT: chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời bằng cách đưa ra mức giá mua điện ưu đãi từ các nguồn năng lượng tái tạo khi bán vào lưới điện quốc gia.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan