CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phát triển kinh tế số để thoát bẫy thu nhập trung bình

Invest Global 14:47 18/05/2022

Từ câu chuyện startup, tới triển vọng kinh tế số

Trong năm 2021 mặc dù đại dịch Covid hoành hành phức tạp nhưng Việt Nam vẫn có thêm hai kỳ lân công nghệ mới là Momo và Sky Mavis, nâng tổng số kỳ lân công nghệ lên con số 4 (cụm từ "kỳ lân" để nói về các doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá từ một tỷ USD trở lên), qua đó càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo (ĐMST) và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2021, vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các startup Việt Nam trong năm qua đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số kỷ lục 874 triệu USD ghi nhận vào năm 2019. Con số giao dịch của các thương vụ gọi vốn giá trị trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng tới 255% so với năm 2020.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures nhận định: “ĐMST tại Việt Nam có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu USD đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo. Với số lượng lớn các công ty đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ sâu sát của Chính phủ, hệ sinh thái ĐMST đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn”.

phat trien kinh te so de thoat bay thu nhap trung binh 2022 là năm bản lề để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển đột phá

Cùng quan điểm, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tin tưởng với những thành quả đã đạt được, 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái ĐMST có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp ĐMST và rộng hơn là nền KTS, qua đó góp phần vào mục tiêu chung là KTS đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Nhưng trước khi nhìn về tương lai đóng góp của KTS sẽ như thế nào, cần trở lại với thực tại. Hiện tỷ trọng đóng góp của KTS/GDP năm 2021 khoảng 7,6% (tương đương 21 tỷ USD). Để đạt mục tiêu đề ra, đồng nghĩa trong khoảng thời gian 8 năm tới, tỷ trọng đóng góp của KTS cần tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Như vậy câu hỏi đặt ra là liệu mục tiêu đó có khả thi không, có tham vọng quá không?

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Momo cho biết, quá trình từ một startup đến kỳ lân của doanh nghiệp này là cả chặng đường dài 15 năm phấn đấu không mệt mỏi; và ở thời điểm khởi đầu mọi người thậm chí còn không biết mô hình này là gì và không tin tưởng sẽ thành công. Từ thành công của Momo, ông Diệp tin tưởng mục tiêu KTS đóng góp 30% GDP vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi. “Với KTS, mức tăng trưởng có thể tính bằng lần qua mỗi năm chứ không chỉ dừng lại ở 20-30%. Vì vậy, tôi tin nếu chúng ta thúc đẩy được toàn bộ nền kinh tế theo hướng số hóa, đóng góp của KTS đến năm 2030 thậm chí có thể lên mức 60%”, ông Diệp lạc quan nhận định.

Trong khi đó, GS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ dẫn các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế gần đây để đi tới nhận định, tiềm năng tăng trưởng về KTS là rất lớn. Đơn cử, theo báo cáo SEA 2021 của Google, Temasek và Bain eConomy, quy mô KTS của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trong khi đó căn cứ theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta đến 2030 thì ước tính vào năm 2030, nền kinh tế sẽ có quy mô GDP khoảng hơn 600 tỷ USD. “Nếu dự báo SEA 2021 và ước lượng quy mô GDP vào năm 2030 cùng đúng, thì tỷ trọng KTS/GDP là khoảng 30% - rất trùng khít với mục tiêu đóng góp 30% của KTS mà Văn kiện Đại hội Đảng đã đề ra”, GS. Trần Thọ Đạt nêu một chi tiết thú vị để cho thấy mục tiêu đặt ra là khả thi.

Cần lộ trình rõ ràng và tránh “dàn hàng ngang”

Theo GS. Trần Thọ Đạt, cấu phần KTS lõi là ICT (hiện chiếm khoảng 5,5% GDP) đang cao hơn mức bình quân 4,5% toàn cầu nên dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Trong khi đó cấu phần KTS Internet/kinh tế nền tảng và cấu phần KTS trong các ngành, lĩnh vực truyền thống nhưng áp dụng công nghệ số vào hoạt động đều mới chiếm khoảng 1,7%/GDP - rất thấp so với các mức trung bình tương ứng của toàn cầu 15% và 10%/GDP. Đây là dư địa rộng lớn cho KTS phát triển.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, một trong những yêu cầu quan trọng để trở thành một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, thoát bẫy thu nhập trung bình, tiến lên nấc thang phát triển cao là phải nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động (NSLĐ). “Theo tính toán của chúng tôi, trong giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 6,88% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng NSLĐ của cả nền kinh tế. Điều đó cho thấy, đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và đây là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ”, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Tuy thừa nhận vai trò quan trọng và dư địa cho tăng trưởng KTS còn rất lớn nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, hiện mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chưa cao dù về mặt chiến lược Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời và việc triển khai thực hiện cũng bắt đầu được đẩy mạnh trong một, hai năm qua. Điều này được thể hiện qua đánh giá của các tổ chức quốc tế (như WB, WEF…) cho thấy Việt Nam vẫn đang đi sau về kỹ năng số của nhóm dân số tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; chưa có nhiều doanh nghiệp theo đuổi những ý tưởng đột phá, theo đuổi những ý tưởng kinh doanh mới; khả năng truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu còn hạn chế; các địa phương chưa dựa nhiều vào thế mạnh - hạn chế của riêng mình để đưa ra các mục tiêu cụ thể, qua đó đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước về KTS...

Theo các chuyên gia, Chiến lược quốc gia về KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt mới đây sẽ là động lực quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, để hiện thực hoá các mục tiêu của Chiến lược chúng ta cần tập trung ưu tiên triển khai bao gồm: Xây dựng và công bố định kỳ Bộ chỉ số đo lường đánh giá toàn diện cấu trúc KTS của cả nước và từng ngành/tỉnh; Đánh giá thực trạng đóng góp của KTS theo các cấu phần, đặc biệt là các giá trị gia tăng mà KTS mang lại; Các đề án phát triển KTS ở các bộ, ngành, địa phương phải tránh “dàn hàng ngang”; Và cần đặt ra mục tiêu cụ thể dựa trên thế mạnh và đặc điểm riêng của mình thay vì chỉ căn cứ và dẫn lại mục tiêu chung phát triển KTS quốc gia; Xây dựng các kịch bản phát triển KTS gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. “Đặc biệt, cần tính đến khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện, nhất là lộ trình phải đạt được cho từng năm để dần đạt được các mục tiêu lớn vào 2025 và 2030”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo khái niệm của Buhkt and Heeks (2017), KTS là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển KTS là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Như vậy, KTS cần hiểu theo nghĩa rộng nhất, tức không chỉ bao gồm các lĩnh vực về công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) hay thêm các ngành nghề có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số (KTS nền tảng) mà phải bao gồm cả các ngành, nghề truyền thống đang cố gắng đưa công nghệ số vào hoạt động của mình.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan