CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phía sau ‘khẩu vị’ M&A thương hiệu Việt của khối ngoại

Invest Global 10:40 30/09/2022

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Giảm nhiệt hay vẫn sôi động?

Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

-5380-1664444063.jpg

“Khẩu vị” thâu tóm của khối ngoại với thương hiệu Việt là những mảng “ngon ăn” dù cho thị trường M&A có giảm nhiệt hay sôi động.

Tuy không có con số cập nhật riêng lẻ cho hoạt động M&A của khối ngoại trong 9 tháng qua, nhưng có không ít ý kiến đánh giá rằng giao dịch M&A ở Việt Nam có thể “giảm nhiệt” dần về cuối năm, các nhà đầu tư nước ngoài có khuynh hướng thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô, có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. 

Còn theo chia sẻ trên truyền thông mới đây của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán- sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản), giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, khối lượng M&A sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự 8 tháng đầu năm nay.

Vị giám đốc này cho rằng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động. Các nhà đầu tư sẽ theo đuổi các giao dịch nhằm mục đích thâm nhập thị trường Việt Nam, hoặc củng cố và mở rộng sự hiện diện của họ hơn là săn lùng các tài sản được định giá thấp.

Như một minh chứng cho tính chất hấp dẫn của thị trường M&A ở Việt Nam, mới đây hãng tin Nikkei của Nhật Bản có cho biết, Tập đoàn Thaibev (Thái Lan) cũng muốn mua tiếp 36% cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco) sau khi đã mua lại 54% cổ phần với giá khoảng 4,8 tỷ USD từ cách đây 5 năm. 

Trong cuộc họp báo thường niên vừa diễn ra của Thaibev, ông Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành, cho biết sẽ không bao giờ có chuyện công ty buông “viên ngọc quý” này vì bia Sài Gòn là tài sản rất có giá trị của công ty, đặc biệt khi thị trường bia đang hồi phục tốt.

Điều đó cũng có thể thấy rõ khi riêng nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 3.029 tỷ, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ và đạt hơn 66% mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.

Nhìn từ thông tin Thaibev muốn mua tiếp 36% cổ phần bia Sài Gòn cũng sẽ thấy “khẩu vị” của thâu tóm của người Thái rất rõ ràng. Đó là nhắm đến các công ty đầu ngành của Việt Nam trong các lĩnh vực “ngon ăn” như tiêu dùng, bán lẻ, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp…

Đi tắt đón đầu để hợp “khẩu vị”

Theo đánh giá, những tập đoàn Thái Lan có một hệ sinh thái kinh doanh đã được thiết lập từ trước, nên khi nắm quyền quyết định và chi phối sau M&A với thương hiệu Việt thì họ nhanh chóng thúc đẩy tiềm năng, gia tăng sức mạnh của các công ty này, tận dụng tiềm lực sẵn có để chiếm lĩnh thị trường.

Trong xu hướng M&A của các tập đoàn Thái Lan nói riêng và khối ngoại nói chung với các thương hiệu Việt, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, thời gian tới mảng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống (F&B) hay mảng công nghệ được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư ngoại. Bởi vì dư địa thị trường còn rất lớn.

Về việc một số thương hiệu nội địa chấp nhận “bán mình” cho khối ngoại, theo ông Dũng, đó là do thương hiệu đó đã “đủ lớn” đến mức doanh nghiệp (DN) Việt không quản lý xuể, chi phí ngày càng phình to ra với nhiều vấn đề phát sinh. Ngoài ra, không ít DN Việt cũng muốn bành trướng sang lĩnh vực khác cho nên họ sẽ đẩy thương hiệu đó đi để có một số vốn tương đối lớn nhằm phục vụ cho đầu tư mảng mới.

“Cho nên, khi nhắm đến việc “bán mình” cho khối ngoại, nếu như các DN nội địa cảm thấy thu lãi đã đủ rồi thì hoàn toàn có thể M&A. Bên cạnh đó, đơn cử như ngành F&B có tính cạnh tranh rất khốc liệt, dễ đánh mất thị phần, vì thế M&A trong lĩnh vực này trong sự nhòm ngó của khối ngoại lại càng thêm mạnh”, ông Dũng chia sẻ.

Riêng với mảng công nghệ, theo nhận định trong tháng 9/2022 từ bộ phận phân tích của Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ chưa được như kỳ vọng dù đây vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhất là những năm gần đây, một số lĩnh vực công nghệ thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Ed-tech), logistics và tự động hóa kinh doanh.

Trong thời gian tới, để thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn ngoại vào Việt Nam thông qua M&A, giới chuyên gia nhấn mạnh một trong những điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế là tính minh bạch. 

Theo đó, thị trường càng minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài càng quan tâm. Nếu thị trường không đủ minh bạch, không có đủ thông tin và dữ liệu, giao dịch chậm, một số chính sách không rõ ràng - tất cả đều đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đã tiến hành đánh giá và lên kế hoạch phát triển dài hạn sau đại dịch Covid-19, vẫn đang chờ được đầu tư thông qua M&A vào những thương hiệu Việt hợp “khẩu vị” với họ, nhưng họ cần giao dịch diễn ra nhanh chóng. Điều này cũng đòi hỏi các DN trong nước phải “đi tắt đón đầu”, chuẩn bị sẵn sàng và nâng cao năng lực để tìm kiếm những cơ hội hợp tác hấp dẫn với khối ngoại. 

Thế Vinh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan