CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bên lề tọa đàm "Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo", Nhadautu.vn đã có buổi phỏng vấn với ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CME Solar để có góc nhìn rõ hơn từ nhà đầu tư về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp ý vào dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Ông có thể cho biết CME Solar đang tìm hiểu và đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo nào?
Ông Bùi Trung Kiên: CME Solar là công ty đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chúng tôi đã triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất, với tổng công suất trên 140 MW. Hiện giờ, công ty đang tập trung vào năng lượng, điện mặt trời áp mái, thương mại và công nghiệp.
Theo mô hình này, chúng tôi sẽ là nhà đầu tư phụ trách toàn bộ 100%, từ khâu mua sắm lắp đặt đến vận hành… Và theo cấu trúc hoạt động, điện từ các dự án sẽ được cung cấp trực tiếp cho nhà máy hoặc khu thương mại với giá triết khấu rẻ hơn.
Đặc biệt, với mô hình kinh doanh, chúng tôi đã và đang cung cấp một giải pháp năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải carbon, cho các nhà máy và khu thương mại, qua đó góp phần thúc đẩy mục tiêu phát tải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26.
Trong quá trình triển khai dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam thì ông nhận thấy những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Bùi Trung Kiên: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở nhìn nhận xu hướng phát triển năng lượng tái tạo không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Từ phía góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi rất trân trọng những chủ trương chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đối với phát triển năng lượng tái tạo để chuyển đổi những năng lượng truyền thống phát thải carbon sang năng lượng sạch hơn.
CME Solar hiện là một trong những đơn vị tiên phong, đầu tư vào lĩnh vực này. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã có được những kết quả nhất định trên cơ sở hỗ trợ của chính sách với các địa phương, sự ủng hộ của người sử dụng điện bao gồm các nhà máy và khu thương mại, cũng như nhu cầu thực tế đối với nguồn năng lượng này.
Hiện giờ chính sách đối với năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục được hoàn thiện, và chúng tôi tin tưởng rằng xu thế này sẽ ngày càng được đẩy mạnh, ủng hộ trong thời gian tới.
Trên thực tế, từ những kinh nghiệm triển khai dự án của mình, chúng tôi cũng mong muốn rằng các chính sách về năng lượng tái tạo sẽ được tăng cường hơn nữa, trong đó đặc biệt phải đảm bảo tính ổn định liên tục.
Thời gian qua, một số chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa có sự chuyển tiếp, đảm bảo tính ổn định. Hiện tại, chính sách liên quan đến giá điện mặt trời, cũng như chính sách về đấu nối những dự án điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, vào lưới điện cũng chưa được ban hành.
Và điều này đã tạo ra một khoảng trống lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng, điện mặt trời áp mái, theo mô hình bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp, đang và sẽ là lĩnh vực khai thác rất tốt hiệu quả các tiềm năng sẵn có.
Thứ nhất, điện mặt trời áp mái sẽ khai thác tốt lượng mái sẵn có, đang không được sử dụng của doanh nghiệp.
Thứ hai, mô hình này dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên và là một nguồn năng lượng rất dồi dào. Đặc biệt, nó sẽ giải quyết được bài toán mà hiện giờ chúng ta đang gặp phải đó là sự quá tải của lưới điện trong bối cảnh tương lai, sẽ cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn để triển khai lưới điện.
Mô hình điện mặt trời áp mái bán điện trực tiếp sẽ không tạo áp lực lớn đối với lưới điện truyền tải khi mà điện đã được tiêu thụ tại chỗ. Bên cạnh đó, điện mặt trời áp mái bán điện trực tiếp sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh ngiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong quá trình làm việc trực tiếp, chúng tôi nhận thấy rằng, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, các đơn vị xuất khẩu, họ đang có nhu cầu rất cao về nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, đây sẽ là mô hình giúp gia tăng lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, đồng thời rẻ hơn theo giá chiết khấu.
Tuy nhiên, năng lượng điện mặt trời áp mái hiện giờ chưa được phân tách một cách rõ ràng, chưa có cơ chế khuyến khích rõ ràng được thể hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Chúng tôi mong rằng với nguồn điện có tiềm năng như vậy, có lợi thế như vậy, thì Chính phủ nên có chính sách rõ ràng hơn nữa để khuyến khích đầu tư phát triển.
Ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
Ông Bùi Trung Kiên: Tôi cho rằng trong Quy hoạch điện VIII, nên đề cập đến điện mặt trời áp mái bán điện trực tiếp như một định hướng lớn, để giải quyết bài toán năng lượng, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam.
Đi kèm với nó sẽ là những chính sách về giá, về khuyến khích đầu tư cũng như sử dụng nguồn điện này. Giai đoạn trước đây, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích các hộ gia đình sử dụng. Theo tôi, hiện giờ những chính sách như vậy nên được mở rộng, ít nhất là tạo thuận lợi cho các nhà máy, những đơn vị thương mại vốn đang có nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này.
Ngoài ra, đối với lưu trữ năng lượng, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, đây có thể là một yếu tố tạo ra sự đột phá trong sử dụng năng lượng tái tạo. Nó sẽ khắc phục được nhược điểm của năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời (công suất phát không được ổn định).
Khi khắc phục được nhược điểm này, đây sẽ là một nguồn năng lượng quan trọng, thay đổi đối với cả hệ thống cấu trúc về năng lượng cung cấp để phát triển nền kinh tế.
Hiện giờ trên thế giới đang có nhiều đơn vị tập trung nghiên cứu để phát triển, thương mại hóa pin lưu trữ năng lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thì trong thời gian sớm, pin lưu trữ sẽ tạo ra một thay đổi mang tính chiến lược đối với huy động và sử dụng các nguồn năng lượng.
Đối với việc hoạch định về mặt chiến lược năng lượng ở Việt Nam, chúng ta nên có những đánh giá nghiêm túc, thực tiễn và đẩy mạnh những chính sách phù hợp trên cơ sở phát triển pin lưu trữ điện tái tạo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!