CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đảm bảo vừa chống dịch, vừa đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Invest Global 10:38 15/09/2021

Nhàđầutư: "Từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án, thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình triển khai tại các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện các dự án đầu tư công", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói. 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.  Ảnh: VGP/Hải Minh.

Chiều 14/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ cuối năm 2020, tổng số vốn đầu tư là 461.300 tỷ đồng, chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định. Phần còn lại 16.000 tỷ đồng, chiếm 3,4% là vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện thủ tục.

Đến hết tháng 8/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là hơn 399.331 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.

Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn giải ngân đến hết ngày 31/8/2021 đạt trên 187.285 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%), trong đó vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 đạt 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).

Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng tiến độ giải ngân trong 8 tháng đầu năm chậm so với cùng kỳ do đặc thù năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Một số dự án khởi công mới cần thời gian để chuẩn bị thủ tục đầu tư, đấu thầu.

Các thành viên của Tổ công tác cho rằng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh do xuất hiện biến thể mới, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, là nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.

Đặc biệt, công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, làm ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, do đó làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định mới về đầu tư còn lúng túng, tiếp cận tín dụng đối với các dự án đối tác công tư còn khó khăn, công tác tổ chức triển khai còn chậm…

Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch COVID do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra trong Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, nhanh chóng phân loại và có hướng xử lý cụ thể theo đúng thẩm quyền. Những quy định mới của bộ, ngành nào thì bộ, bộ ngành đó có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất trên cả nước.

Phó Thủ tướng lưu ý, từng bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án, thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình triển khai tại các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện các dự án theo đúng tiến độ.

Các bộ, cơ quan phải hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn còn lại của năm 2021 và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho từng Chương trình.

Phó Thủ tướng Thường trực cơ bản nhất trí với các ý kiến của các thành viên Tổ công tác về sự cần thiết phải sớm có hướng dẫn cụ thể để vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan