CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Quảng Trị đề xuất xây dựng "siêu băng chuyền" 160km vận chuyển than từ Lào về cảng Mỹ Thủy

Invest Global 21:39 10/06/2023

 

Từ đầu năm 2023, than nhập từ Lào vào Việt Nam tăng đột biến, khiến cửa khẩu quốc tế La Lay

thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải

Nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu của tỉnh Quảng Trị để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 20 đến 30 triệu tấn mỗi năm, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên Quảng Trị đang tìm đường vận chuyển thuận lợi.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương, đề xuất phương án vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Quảng Trị đề xuất xây dựng một băng tải than đá từ Lào về đến cảng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500-6.000 tấn/giờ, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15-20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.

Trong đó, đoạn phía Lào dài 85km từ mỏ than đến cửa khẩu La Lay, đoạn phía Việt Nam dài 75km từ cửa khẩu về cảng biển. Tổng mức đầu tư riêng đoạn ở Việt Nam dự kiến là 10.800 tỉ đồng. Ban đầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng băng tải dài 5km, công suất 6.000 tấn/h ở cửa khẩu quốc tế La Lay, băng qua biên giới hai nước Việt Nam và Lào.

Trước đó, chuyên viên biên giới hai nước đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá ở khu vực biên giới, thay thế phương thức vận chuyển bằng xe tải như hiện nay. UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng phương án này hiệu quả để tăng năng suất than nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường và tránh hư hỏng hạ tầng giao thông.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng kho bãi và băng tải ở khu vực biên giới La Lay; giao tỉnh Quảng Trị phối hợp với tỉnh Salavan của Lào thiết kế, thi công và đề nghị các Bộ Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trữ lượng than đá tại hai tỉnh Sekong và Salavan khoảng một tỉ tấn. Nhu cầu vận chuyển về Việt Nam để sử dụng và xuất khẩu qua nước thứ ba khoảng 20-30 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, hạ tầng tại cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, chưa có bãi tập kết, thường xuyên ùn tắc gây mất an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Năng lực nhập khẩu hiện tại của Quảng Trị cũng chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, cao điểm nhất đạt 15.000 tấn/ngày với 500 lượt xe qua lại. Tính từ năm 2021 đến tháng 4/2023, than đá nhập qua cửa khẩu La Lay đạt 800.000 tấn, trị giá 70 triệu đô la Mỹ, trong đó lượng hàng 4 tháng đầu năm nay gần bằng cả năm 2022.

Được biết, tình trạng ùn ứ kéo dài tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay. Nguyên nhân là do số lượng phương tiện xuất, nhập cảnh qua đây tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2022, trong khi cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu chưa hoàn thiện, còn dở dang. Đặc biệt nhu cầu nhập than tăng đột biến, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 phương tiện tải trọng lớn xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay chở than về Việt Nam.

Chính vì vậy, thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp triển khai đồng thời nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian làm thủ tục, tăng lưu lượng thông quan, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp, giảm tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông.

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp Cục Hải quan xây dựng, sửa chữa phần đường dẫn hai đầu của làn xuất cảnh, bàn giao và đưa làn xuất cảnh vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao cho Sở Giao thông Vận tải khẩn trương làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị liên quan để đề xuất cải tạo, sửa chữa những điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nâng cấp mở rộng mặt đường Quốc lộ 15D, nhằm tăng khả năng lưu thông trên tuyến.

Đối với đề xuất của doanh nghiệp về đầu tư vận tải than đá bằng băng tải ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lưu ý đây là hình thức vận tải xuyên biên giới, để thực hiện được cần phải xin chủ trương của hai nước Việt Nam - Lào. Việc xây dựng có liên quan đến các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, xây dựng bãi hạ tải, thủ tục thông quan, do đó các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị phương án để trình cấp có thẩm quyết định.

Tiếp đến ngày 17/5, đoàn chuyên viên biên giới Việt Nam và Lào đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan