CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Rời lĩnh vực đang nghiên cứu để về nước khởi nghiệp ở mảng hàng hiệu đã qua sử dụng (secondhand), Tạ Xuân Hiển tham vọng xây dựng Joolux.com trở thành sàn giao dịch hàng hiệu secondhand lớn nhất Việt Nam.
Tạ Xuân Hiển, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Joolux.com.
Thoả mãn mọi nhu cầu của tín đồ hàng hiệu
Đối với thị trường hàng hiệu secondhand, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức. Theo thống kê của Statista.com, năm 2020, thị trường hàng hiệu tiêu dùng mới toàn cầu giảm 22% (từ 334 tỷ USD xuống 258 tỷ USD), nhưng thị trường hàng hiệu secondhand lại tăng nhẹ 6,4% (từ 31 tỷ USD lên 33 tỷ USD).
Theo CEO Joolux.com, có 3 lý do chính giúp thị trường này tăng trưởng, đó là: mua sắm trực tuyến nhảy vọt; cộng đồng tiêu dùng đang ủng hộ việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; suy giảm và tiết kiệm tiền từ người tiêu dùng.
Niềm tin với khách hàng, nghe thì đơn giản, nhưng để làm trọn vẹn được, thì không hề dễ dàng. Với Joolux, niềm tin đến từ việc đảm bảo tất cả sản phẩm đều chính hãng, rõ ràng, cho đến việc xây dựng chính sách khách hàng, hệ thống vận hành trơn tru, chăm sóc khách hàng tận tình.
Tại Joolux - nền tảng chia sẻ hàng hiệu secondhand duy nhất tại Việt Nam, có thể thấy rõ cơ hội thị trường qua số liệu thống kê, với sự gia tăng mạnh về số lượng người mua hàng.
Cụ thể, dịch vụ spa và sửa chữa hàng hiệu tại Joolux tăng trên 50%, do nhu cầu sử dụng lại sản phẩm đã để lâu trong tủ đồ. Số lượng sản phẩm ký gửi bán tại Joolux tăng trên 40%...
Sự gián đoạn về nguồn cung hàng mới và đi lại mua sắm, đặc biệt là du lịch mua sắm ở nước ngoài, khiến các tín đồ hàng hiệu chuyển hướng sang hàng đã qua sử dụng nhiều hơn.
“Hàng hiệu secondhand sẽ là xu hướng chính của thị trường hàng hiệu nói chung sau đại dịch”, Hiển khẳng định.
Đối với anh, đại dịch đã lấy đi rất nhiều cơ hội, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội khác. Theo đó, mọi chiến lược của Joolux thời điểm này đều nhằm nắm bắt được cơ hội mới và cắt đi những phần thừa do cơ hội thị trường đã mất. Chiến lược được điều chỉnh liên tục theo tháng và quý, đi kèm sự theo dõi và phân tích rất kỹ sự thay đổi hành vi của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.
Thời điểm này, do tài chính cá nhân bị ảnh hưởng, khách hàng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua món đồ giá trị cao, tiêu thụ sản phẩm phân khúc giá cao chắc chắn sẽ bị chậm. Do đó, Joolux tập trung vào phân khúc tầm trung. Trong thời gian giãn cách xã hội, Joolux cung cấp dịch vụ tại nhà, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Bằng những chiến lược thay đổi nhanh chóng đó, kết quả kinh doanh của Joolux ngày càng tăng trưởng.
“Đánh” vào giá cả và chất lượng kiểm định
Tạ Xuân Hiển năm nay 37 tuổi, không xa lạ đối với cộng đồng khởi nghiệp và giới du học sinh. Anh tốt nghiệp thạc sĩ môi trường tại Hàn Quốc và tiến sĩ xây dựng tại Mỹ, nhưng từ chối cơ hội ở lại làm việc, rời lĩnh vực đang nghiên cứu để về nước khởi nghiệp.
Ý tưởng khởi nghiệp với mô hình sàn giao dịch hàng hiệu secondhand của anh khởi nguồn từ lúc còn ở Mỹ. “Tôi rất mê mô hình đấu giá trực tuyến của eBay và tin rằng, mô hình này rất tiềm năng với thị trường Việt Nam”, Hiển chia sẻ.
Hàng loạt thử nghiệm đã được Hiển thực hiện thành công bằng việc đấu giá những sản phẩm khó định giá và các mặt hàng cao cấp đã qua sử dụng trên Facebook. Giữa năm 2016, nền tảng đấu giá trực tuyến Bidy.vn ra đời và chỉ hơn một năm sau đã trở thành tốp đầu của nền tảng đấu giá trực tuyến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiển nhận thấy, mô hình đấu giá trực tuyến rất khó tăng trưởng và kén khách hàng, ngược lại, thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại có tiềm năng lớn. Anh và các cộng sự dần thay đổi mô hình sang “chia sẻ để kết nối”, tập trung vào thị trường hàng hiệu secondhand với Joolux.com.
Nguồn hàng chính của Joolux đến từ người tiêu dùng cá nhân trong nước thanh lý, ký gửi sản phẩm. Ngoài ra, Joolux còn có đối tác là những công ty kinh doanh hàng hiệu tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tất cả sản phẩm đưa lên Joolux đều được kiểm duyệt rất chặt chẽ bằng công nghệ kiểm định và đội ngũ chuyên gia.
Joolux đang tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính: túi xách, đồng hồ, giày dép, phụ kiện.
Dù Joolux là nền tảng chia sẻ hàng hiệu secondhand duy nhất tại Việt Nam, nhưng Hiển và đội ngũ không coi đó là lợi thế chiến lược của Công ty, mà xác định phải “đánh” vào 2 điểm khác biệt chính về giá cả và chất lượng kiểm định.
Ngoài chuyển nhượng với giá phù hợp, Joolux còn cung cấp các dịch vụ như cho thuê hàng hiệu, mua trả góp, giúp khách hàng tiếp cận, sở hữu hàng hiệu với chi phí thấp nhất.
Joolux coi kiểm định hàng hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công. Ngoài đội ngũ kiểm định giàu kinh nghiệm và đã có uy tín trên thị trường, Joolux ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào kiểm định hàng hiệu với độ chính xác lên đến 99,1%. Công ty luôn đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng là hàng thật 100% và có chính sách đền bù rõ ràng nếu có sai sót.
Mục tiêu lớn nhất của Joolux là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ xung quanh của người sử dụng hàng hiệu, trở thành sàn giao dịch hàng hiệu lớn nhất Việt Nam và phát triển ra khu vực Đông Nam Á.
Để thực thi tham vọng này, Joolux phải có vốn mạnh. Gần đây, Joolux nhận được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, một số thương vụ sắp chốt. Joolux sẽ dùng nguồn vốn này để phát triển thương hiệu, đầu tư hệ thống kỹ thuật công nghệ kiểm định và củng cố hệ thống vận hành.
Tuy nhiên, Hiển cho biết, Joolux không gọi vốn bằng mọi giá, mà kỳ vọng sẽ được bắt tay với các nhà đầu tư mang đến cả vốn cùng những cơ hội kinh doanh, kết nối và tư vấn hữu ích cho sự phát triển đường dài.
THEO BÁO ĐẦU TƯ