CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Sở hữu trí tuệ có vai trò đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả….
Sau thời gian hơn 1 năm thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp ích rất nhiều cho Việt Nam, về cơ bản, những kỳ vọng đặt ra đã đạt được. Còn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực tới đây cũng là niềm hi vọng rất lớn của nước ta với thị trường EU trên 500 triệu dân.
Cụ thể, xuất khẩu tăng 42,7% vào năm 2025, 44,4% năm 2030; đầu tư từ EU, các nước khác gia tăng để tận dụng EVFTA; cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các cam kết của hiệp định; EVFTA có tác động lớn đến xã hội, dự kiến tạo ra 146.000 việc làm/năm.
Đánh giá về cơ hội của doanh nghiệp Việt, TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs). Trong đó, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP, và EVFTA có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, phạm vi điều chỉnh bao trùm nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong hai hiệp định này sâu hơn, đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Do đó, việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong CPTPP và EVFTA có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.
Sở hữu trí tuệ khẳng định vị trí độc quyền của doanh nghiệp được cấp quyền sở hữu trí tuệ về các sáng chế, nghiên cứu, sản phẩm...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS. Vũ Xuân Trường- Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, EVFTA và CPTPP là những FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu và bao trùm trong nhiều lĩnh vực, trong đó, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung mà các quốc gia cần phải thực thi. Sở hữu trí tuệ có vai trò đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả. Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ khẳng định vị trí độc quyền của doanh nghiệp được cấp quyền sở hữu trí tuệ về các sáng chế, nghiên cứu, sản phẩm...
Tuy nhiên theo ông Trường, trên thực tế, hầu hết các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp. Đơn cử như ở Việt Nam, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra ở nhiều lĩnh vực, cả ở khu sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong lĩnh vực bản quyền phần mềm, giai đoạn 2006-2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp, kiểm tra 27.602 máy tính, lập 499 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8.613 tỷ đồng.
Liên quan đến câu chuyện sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTTP và EVFTA, ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch VMCG, sáng lập Strategy Academy cho rằng, sở hữu trí tuệ có vai trò đảm bảo cho môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật; bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả.
Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ khẳng định vị trí độc quyền của người được cấp sở hữu trí tuệ về các sáng chế, nghiên cứu và giúp các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nói chung có lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc.
Để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ hiện nay, theo ThS. Vũ Xuân Trường, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế, phối hợp đồng bộ từ nhiều bên để xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Đồng thời, Việt Nam cần đột phá trong khâu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, Nhà nước, Viện nghiên cứu, các trường đại học là “ba đỉnh của một tam giác đều”. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định CPTTP và EVFTA với các nước, các điều kiện ràng buộc về sở hữu trí tuệ nâng cao hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Ngoài ra, cần tích cực triển khai các chương chình hỗ trợ quản lý, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sáng tạo; chủ động và mở rộng các quan hệ quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp có thể bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất ở trong và ngoài nước.
Nguồn Doanh nghiệp Viêt Nam