CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tận dụng ưu đãi từ EVFTA: Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm đầy đủ nội dung cam kết

Chuyên Gia 16:49 12/10/2020

Với những cam kết sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nếu muốn tận dụng các ưu đãi.

Tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi.

Tăng xuất khẩu vào thị trường 500 triệu dân

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Việc tham gia các FTA, nhất là EVFTA, với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thông tin, một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên từ EVFTA. “Kết quả thực thi EVFTA trong 2 tháng qua được xem là chỉ dấu để các doanh nghiệp tự tin hơn trong tận dụng các cam kết tại FTA này”, bà Trang nói.

Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1, với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Trong tháng 9/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 3,225 tỷ USD, xấp xỉ mức thực hiện của tháng 8, đưa kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 26 tỷ USD, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ do tác động của Covid-19. Nếu tính cả thị trường Anh, xuất khẩu 9 tháng sang thị trường 500 triệu dân này đạt 32,5 tỷ USD.

Tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Còn nhiều việc phải làm

Với những cam kết sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực trong EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn tận dụng ưu đãi từ hiệp định này. Ông Đinh Xuân Tùng, CEO Công ty Công nghệ Rivera thừa nhận có tìm hiểu về EVFTA, nhưng chưa thể hiểu rõ hết, vì lượng thông tin quá đồ sộ.

Ngành gỗ nằm trong các ngành hàng có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU để được giảm thuế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt (Hà Nội), EVFTA là một FTA thế hệ mới, nên ngoài những yêu cầu về xuất xứ, doanh nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA), tức là phải cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu có giấy chứng nhận xuất xứ, rồi trải qua những giấy phép vệ sinh an toàn, thì mới đủ điều kiện xuất sang EU. Đây là những thách thức không nhỏ của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

EVFTA mới đi vào thực thi ở tháng thứ 3, vẫn được xem là còn quá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ doanh nghiệp một số ngành đã hội nhập sớm, với hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang EU mỗi năm như dệt may, giày dép, điện tử, thủy sản… Nhiệm vụ của các doanh nghiệp còn khá nặng nề, khi phải tìm hiểu để nắm chính xác, đầy đủ các nội dung cam kết liên quan đến hoạt động của mình, từ đó mới có thể khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA.

Tại Hội thảo “EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết” do VCCI tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) lưu ý, EVFTA gồm 2 mục tiêu: tận dụng tốt các cơ hội để xuất khẩu hàng hoá sang EU và nhập khẩu những thiết bị cần thiết từ EU để nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế. Nhưng hiện Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mức cho mục tiêu thứ hai.

Nguồn Báo Đầu Tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan