CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng năng suất từ đổi mới sáng tạo và số hóa

Invest Global 10:33 13/02/2023

Năng suất chưa tăng như kỳ vọng

Lợi ích của quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa đã được thể hiện rõ trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid vừa qua. Và rõ ràng đây cũng là những yếu tố đóng góp ngày càng quan trọng, giúp tạo ra cú huých để Việt Nam đạt được những mục tiêu, khát vọng đề ra, như tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Những tưởng khi đổi mới sáng tạo và số hóa được thúc đẩy thì đương nhiên năng suất sẽ gia tăng thì ngược lại, điều này không xảy ra hoặc ít nhất là không tăng một cách tương ứng. Thực tế tại Việt Nam trong năm vừa qua, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động nằm trong số một vài chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt được. Trong khi đây là một chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh khả năng cạnh tranh cũng như mức độ phát triển bền vững của nền kinh tế.

tang nang suat tu doi moi sang tao va so hoa

Và thực tế đây cũng là một xu hướng chung của các nền kinh tế châu Á. Báo cáo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á nhằm tăng năng suất" của IMF công bố mới đây cho thấy, mặc dù đã trở thành khu vực đầu tàu về nghiên cứu và phát triển (R&D) - đóng góp tới hơn một nửa số lượng bằng sáng chế của thế giới; tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo và số hóa nhưng tăng năng suất của châu Á vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh Covid.

Lý giải điều này, bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc Điều hành IMF cho rằng, có hai nguyên nhân chính. Một phần là do chất lượng đổi mới sáng tạo chưa cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn. Mặt khác, mức độ và tốc độ truyền bá công nghệ từ DN đi đầu đến các DNNVV còn chậm. “Việc không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các DN lớn, trong khi số đông gồm các DN nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau”, Phó tổng giám đốc điều hành IMF nhận định.

Bức tranh đó cũng phần nào được phản ánh tại Việt Nam. Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chia sẻ, WB cũng đã có nhiều khảo sát về mức độ áp dụng công nghệ tại các DN và nhận thấy rằng, Việt Nam đang đi chậm hơn so với một số nước trong khu vực.Ví dụ, chỉ có 6,9% DN ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết có sử dụng công nghệ điện toán đám mây; 1,5% DN sử dụng Bigdata hoặc AI để thực hiện các hoạt động marketing; 1,8% sử dụng các công nghệ tiên tiến như in 3D, robot; hay dù có 26% DN Việt Nam sử dụng các mạng xã hội nhưng chỉ có 1,7% DN cho biết đây là phương pháp họ sử dụng nhiều nhất để bán hàng…

“Dù Việt Nam đã có những chính sách, sáng kiến để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ rộng hơn tuy nhiên vẫn chưa thể mang công nghệ phổ biến rộng rãi trong DN. Thiếu năng lực, không đủ nguồn lực, không đủ tài chính, chưa có cơ chế phù hợp… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng đây cũng là dư địa để cải thiện hơn nữa trong tương lai”, bà Carolyn Turk cho biết.

Về mặt chính sách, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế chính sách để phát triển, song vẫn còn thiếu những chính sách đặc thù dành riêng cho đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng chưa có cơ chế thử nghiệm theo mô hình sandbox cho các start-up. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đủ cơ chế để thu hút các chuyên gia giỏi đến Việt Nam giúp sức vào quá trình đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Thúc đẩy giáo dục và lan tỏa công nghệ

Theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom, câu trả lời để nâng cao năng suất lao động chính là giáo dục. Lý giải cho điều này, ông Tiến dẫn hai vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất, với quy mô dân số 100 triệu người hiện nay, mỗi năm sẽ có thêm hơn 1 triệu người cần có việc làm. Nhưng trong số đó, chỉ có hơn 300 nghìn người được đào tạo; còn gần 700 nghìn người được đào tạo rất ít. “Điều đó có nghĩa là để nâng cao năng suất lao động, có sức cạnh tranh lớn hơn thì giáo dục trở thành yếu tố vô cùng quan trọng”, vị này nhận định.

Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, một thực tế là sẽ có hàng triệu nhân công đơn giản (lắp ráp, dệt may, giày dép…) có nguy cơ mất việc vì robot khi giá đầu tư robot ngày càng rẻ đi. Điều đó cũng có nghĩa, sẽ có hàng triệu người có nhu cầu đào tạo lại. “Để năng suất lao động được nâng lên, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam cần và sẽ phải trở thành quốc gia học tập và học tập suốt đời. Chỉ có như vậy, mỗi cá nhân mới trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình để tồn tại và phát triển trong tương lai”, ông Tiến nhấn mạnh.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và số hóa, tạo cú huých cho tăng năng suất, bà Carolyn Turk cho rằng cùng với nỗ lực tự cải thiện năng lực của các DN, Nhà nước cần tăng các nguồn lực để hỗ trợ việc hấp thụ công nghệ; sắp xếp lại những chi tiêu ngân sách để tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, cho hoạt động đổi mới sáng tạo; có cơ chế về vốn, tín dụng, thu hút nguồn vốn để thúc đẩy và hỗ trợ các DNNVV áp dụng công nghệ mới.

Trong khi đó bà Antoinette Sayeh - Phó tổng giám đốc IMF cho rằng, một đặc điểm hiện nay là các DN FDI và nhiều DN Việt Nam lớn đã đi đầu và đi rất xa trong các lĩnh vực này trong khi các DN nhỏ ngày càng tụt hậu nên phải khắc phục được tình trạng phân tách này. “Cần đưa được các thành tựu của đổi mới sáng tạo và công nghệ ra thị trường, đến với các DNNVV và với sản xuất để giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn; xây dựng các cơ chế để khuyến khích đổi mới sáng tạo hơn nữa ở các DNNVV, giúp các DN cạnh tranh hơn” bà Antoinette Sayeh khuyến nghị. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, số hóa cũng có thể được lan tỏa mạnh mẽ hơn thông qua hạ tầng công nghệ cải thiện, kỹ năng người lao động được cải thiện và điều này chỉ có được qua đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng và hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là qua hệ thống các trường đại học, cũng như khuyến khích người lao động tự đào tạo để giúp người lao động làm chủ và áp dụng công nghệ nhiều hơn.

Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy nhấn mạnh, chính sách cho đổi mới sáng tạo hoàn toàn khác với các chính sách khác, nên rất cần sự linh hoạt, có những cơ chế mang tính thử nghiệm. Nếu các chính sách, quy định quá chặt sẽ không phù hợp, không khuyến khích đổi mới sáng tạo, không khuyến khích cho DN sáng tạo, thu hút vốn mạo hiểm… “Chúng ta cũng cần có văn hóa chấp nhận thất bại, bởi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vốn mạo hiểm… luôn có thể thất bại. Nhưng có chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và linh hoạt như vậy thì mới khuyến khích được đổi mới sáng tạo”, ông Vũ Quốc Huy nói và cho rằng, bên cạnh đó cần có các cơ chế, chẳng hạn như những ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, để có thể thu hút được các chuyên gia, người tài đến Việt Nam làm việc, cống hiến.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan