CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Năm 2020, chúng ta ở tình thế bất ngờ trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng năm 2021 đã có sự chủ động hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021, thấp hơn 3,96% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Tỷ lệ giải ngân thấp những tháng đầu năm diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, trong đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan và những nguyên nhân mới so với năm trước.
Thứ nhất, đầu tư công cũng là một hoạt động tương tự các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế nên cũng bị ảnh hưởng. Đầu tư công cũng phụ thuộc vào vận chuyển nguyên vật liệu thi công, mà trong bối cảnh các địa phương thực hiện giãn cách bị ảnh hưởng nhiều, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thứ hai, nhiều công nhân, chuyên gia tư vấn… tham gia thực hiện các dự án đầu tư công cũng phải thực hiện chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh, do đó, việc triển khai thi công ở các địa bàn có dịch gặp rất nhiều khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng nguyên liệu đầu vào khó khăn.
Thứ ba, sự tăng giá nguyên liệu đầu vào. Đây là yếu tố lớn ảnh hưởng đến tiến độ và tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng thầu đã ký. Việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính của họ trong quá trình ký hợp đồng với Nhà nước khi thực hiện dự án.
Thứ tư, sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian của công tác chỉ đạo điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ và thông cảm với các đồng chí lãnh đạo địa phương, nhất là các địa phương có dịch, vì ưu tiên nhân lực cho chống dịch, nên phần nào đó cũng ảnh hưởng tới đầu tư công. Chúng tôi rất mong các đồng chí trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng có sự phân bố phù hợp để quan tâm nhất định cho giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, sự khác biệt về thời điểm. Quý III/2021 là thời điểm chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi Covid-19, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng. So sánh như vậy thì số liệu, kết quả có sự chênh lệch khá lớn về thời điểm. Đó là nguyên nhân mới so với năm trước.
Một thực tế trong các năm trước đây là công tác giải ngân thường dồn về cuối năm. Tình trạng này liệu có lặp lại trong năm 2021 hay không, thưa ông?
Mô hình, xu thế giải ngân dồn vào cuối năm đã tồn tại rất lâu, qua phân tích của các chuyên gia thì dường như đã thành quy luật.
Năm 2020 là năm đặc thù với thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bởi vì không những bị ảnh hưởng bởi quy luật giải ngân cuối năm, mà còn là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên tâm lý chung của chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn kết thúc một kỳ kế hoạch thành công, những gì chưa làm được trong kỳ kế hoạch cố gắng làm nốt trong năm cuối cùng trước khi bước sang chu kỳ kế hoạch mới. Do vậy, năm 2020, những tháng đầu năm có tỷ lệ giải ngân khá cao so với các năm trước, đó là đặc thù về mặt thời điểm.
Năm 2021 ngược lại một chút, là năm đầu tiên của chu trình kế hoạch, do đó, tập trung nhiều vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn dài hơi 5 năm, nên những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện những chuyển tiếp giai đoạn trước chuyển sang và phải chờ Quốc hội phê duyệt xong kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội, theo đó có nhiều dự án trong 1-2 tháng tới sẽ khởi công, đấu thầu, tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70.000 tỷ đồng.
Thời gian còn lại không nhiều, trong khi khối lượng rất lớn như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những định hướng nào để giải quyết khó khăn, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã theo dõi sát tình hình, cập nhật, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, thách thức và đưa ra kiến nghị để Thủ tướng ban hành các quyết định, điều chỉnh làm sao thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tới ngày 30/9 là thời điểm để chúng ta đánh giá toàn diện tốc độ giải ngân của tất cả bộ, ngành, địa phương với mục tiêu tối thiểu đạt 60%.
Đây là vấn đề Thủ tướng hết sức quan tâm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Đối với khó khăn về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, phải nghiên cứu sửa quy phạm pháp luật.
Đối với các dự án liên quan đến vốn vay ODA, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP, trong đó giảm nhiều bước thủ tục hành chính trong điều chỉnh vốn ODA.
Mới đây, Thủ tướng có công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đôn đốc thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Trong bối cảnh dịch bệnh hết sức căng thẳng, nhưng Thủ tướng ra công điện mạnh mẽ để các đơn vị không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải quan tâm hơn đến công tác đầu tư công.
Để có giải pháp đột phá ngay từ bây giờ, phụ thuộc rất nhiều vào công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án tại các địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, rất khó có phương án thi công, đây là điều chúng tôi hết sức chia sẻ, nhưng tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, địa phương nào ít bị dịch bệnh thì quan tâm thúc đẩy ngay giải ngân, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… có thể lựa cơ hội, dự án làm được để không bị chậm trễ.
Với các giải pháp của Chính phủ, với sự quan tâm, ý thức về tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công, hy vọng các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ