CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dù còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 vẫn có sự tăng trưởng dương, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác bị suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa được cao như kỳ vọng, cũng như việc thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu tích cực nhưng mới đang chỉ có sự phục hồi nhẹ.
Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do sự thiếu hụt về thanh khoản, thiếu hụt dòng tiền trong nền kinh tế và thị trường. Trong bối cảnh trên, Quốc hội, chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đã tăng trưởng trong quý I/2023 nhưng thấp hơn kỳ vọng, trong khi đó thị trường chứng khoán cũng chưa có sự phục hồi rõ nét. B à đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam
Khi chúng tôi đi giới thiệu Việt Nam đến các thị trường trong khu vực, những thị trường mà trong mạng lưới của UOB, chúng tôi đã nhận được những phản hồi từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư tổ chức là những định chế tài chính, họ quan tâm về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Việt Nam cũng như những khó khăn ngắn hạn hiện tại của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đa số họ đều đều có góc nhìn tương đối tích cực về những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.
Vậy theo bà, việc thiếu hụt nguồn vốn hay dòng tiền xuất phát từ những nguyên nhân chính nào?
Theo tôi, dòng vốn vào thị trường trong thời gian qua có sự sụt giảm thì đến từ cả nguyên nhân khách quan cũng như là nội tại của Việt Nam. Xét về nguyên nhân khách quan, trong thời gian vừa qua FED đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất liên tục và hiện nay, mức lãi suất tham chiếu của Mỹ đã nằm ở ngưỡng khoảng 5% đến 5,25%/năm. Động thái này cũng được áp dụng bởi những ngân hàng trung ương lớn ở các nước phát triển, điều này làm dòng vốn ngoại quay trở về Mỹ để hưởng mức lãi suất hấp dẫn, qua đó khiến dòng vốn ngoại đã bị rút bớt ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Còn về yếu tố nội tại, Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022 cũng như đầu năm 2023 tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát, điều này cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Một điểm nữa là khi lãi suất cao thì nó cũng làm nhà đầu tư có khuynh hướng gửi tiết kiệm ở các ngân hàng nhiều hơn. Với những yếu tố bên ngoài cũng như nội tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến dòng vốn trên thị trường trong thời gian qua.
Gần đây, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp giúp tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế và thị trường, theo bà, những giải pháp đó có giúp cho dòng tiền gia tăng trong nền kinh tế và thị trường trong thời gian tới không?
Tôi nghĩ tất cả những chính sách hay những biện pháp này sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng. Tôi hy vọng những chính sách và biện pháp này sẽ cho thấy kết quả rõ rệt hơn trong tăng trưởng GDP của những quý tiếp theo. Thị trường chứng khoán thường sẽ đi trước kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do mà tại sao tháng vừa qua nhà đầu tư cá nhân đã quay lại thị trường khá mạnh, họ giúp bù đắp phần rút ròng của nhà đầu tư ngoại, như vậy là họ đã thấy được triển vọng của nền kinh tế nên đã đi trước.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hạ lãi suất, định hướng đó Chính phủ đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng là sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo. Về nội tại, chúng tôi tương đối có cái nhìn khá tích cực về nền kinh tế và thị trường trong những quý tiếp theo, rủi ro thì vẫn còn nhưng nếu nhìn vào dài hạn thì rõ ràng chúng ta thấy triển vọng sẽ tích cực hơn so với một hoặc hai quý vừa rồi.
Bên cạnh dòng vốn trong nước thì dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Hiện, FED cũng đã hạ nhiệt tăng lãi suất, khiến giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền ngoại trong thời gian tới sẽ cải thiện hơn?
Hiện nay mọi người đều cho rằng FED có khả năng sẽ không tăng lãi suất nữa. Tuy nhiên, khi nào họ bắt đầu giảm lãi suất thì vẫn còn là một câu hỏi. Nếu kết thúc sớm hơn thì chúng ta có thể hy vọng là dòng vốn ngoại có thể bắt đầu quay ngược trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Còn trong trường hợp mặt bằng lãi suất ở các nước này vẫn giữ ở mức cao, không tăng hơn nữa nhưng vẫn giữ ở mức hiện tại thì việc các dòng vốn quay lại thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam có thể sẽ chậm hơn. Còn yếu tố nội tại thì chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp và cũng phát ra những tín hiệu vẫn có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tôi nghĩ nếu mặt bằng lãi suất đi theo khuynh hướng giảm trong thời gian tới thì cũng là một động lực rất lớn giúp dòng vốn trong nước quay lại thị trường chứng khoán.
Vậy theo bà, đâu sẽ là những giải pháp thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới?
Chúng ta đã thấy những hành động quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan quản lý với những việc làm chưa đúng đắn, vốn đã làm ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu hay thị trường bất động sản. Tôi mong những chính sách hỗ trợ từ đầu năm đến giờ từ phía Chính phủ cũng như là các cơ quan hữu quan nên nhất quán để làm sao khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, để các nhà đầu tư yên tâm giải ngân trở lại.
Về phía công ty quản lý quỹ UOBAM Việt Nam thì trong suốt hai năm vừa qua, chúng tôi cũng đi thực hiện quảng bá về thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế ở trong khu vực qua mạng lưới rất rộng của UOB, UOB hiện nay đang hoạt động tại 9 thị trường trong khu vực Châu Á, có trụ sở chính tại Singapore. Và chúng tôi cũng cố gắng làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy Việt Nam là một điểm đầu tư rất đáng để họ quan tâm nhiều hơn và có triển vọng phát triển bền vững trong dài hạn. Trong nước, UOBAM Việt Nam trong năm ngoái cũng đã cho ra đời quỹ cổ phiếu ESG để giới thiệu đến nhà đầu tư trong nước. Trước đó, tập đoàn UOB đã đưa ra các sản phẩm đầu tư bền vững ESG và đã được đón nhận rất tích cực. Khi vào thị trường Việt Nam, Tập đoàn UOB cũng mong muốn mang đến những giải pháp đầu tư mà các nhà đầu tư trong khu vực hiện nay họ đang được hưởng đến cho các nhà đầu tư Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.