CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tháo điểm “nghẽn” trong cơ chế hoạt động, quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch
PGS.TS. PHẠM TRƯƠNG HOÀNG -Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (ĐH Kinh tế Quốc dân)
ENTERNEWS.VN Trong điều kiện chưa có mô hình quản lý gần hơn thì mô hình “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” sẽ thuận lợi với Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch...
Cấp thiết bài toán ngân sách cho Quỹ
Xúc tiến, nghiên cứu, đào tạo nhân lực và truyền thông du lịch trong cộng đồng là những hoạt động quan trọng trong phát triển du lịch, đòi hỏi có sự đầu tư, tổ chức, quản lý, điều hành, thực hiện trực tiếp của Nhà nước. Tới trước khi Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch ra đời, có thể thấy các nhiệm vụ này vẫn do các cơ quan quản lý Nhà nước đảm nhận. Nhưng có nhiều ràng buộc về cơ chế để các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tổ chức hiệu quả các hoạt động này.
Đặc biệt, khó khăn về việc huy động kinh phí không cho phép Nhà nước triển khai các hoạt động kể trên một cách đầy đủ. Kinh phí cho các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ phát triển du lịch lấy từ các chương trình quốc gia về xúc tiến và phát triển du lịch vừa hạn hẹp vừa không chủ động. Nếu như kinh phí cho xúc tiến du lịch Việt Nam ở cấp quốc gia là vài triệu USD thì con số này, gần chúng ta trong khu vực ASEAN, Thái Lan đã dành trên 150 triệu USD mỗi năm cho hoạt động xúc tiến và nếu kể cả số tiền cho hỗ trợ phát triển du lịch thì con số này là trên 210 triệu USD (số liệu năm 2017). Hơn 95% ngân quỹ của hoạt động này do Chính phủ trợ cấp. Việc chi tiêu và quản lý các hoạt động được giao cho Cơ quan Du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand - TAT) tại Thái Lan.
"Điểm nghẽn" trong cơ chế hoạt động, quản lý
Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch được xây dựng hoàn toàn mới và dường như chưa có tiền lệ. Để vận hành, một loạt hệ thống văn bản được xây dựng, từ việc sửa đổi Luật Du lịch năm 2017, Nghị định Chính phủ năm 2017, Quyết định của Thủ tướng năm 2018, Quyết định về Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021 về bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ và gần đây nhất là Dự thảo Thông tư của Bộ tài chính về việc sử dụng Quỹ. Điều này cho thấy sự phức tạp của việc xây dựng, tổ chức và vận hành Quỹ bởi Quỹ vừa mang tính chất hoạt động của Nhà nước, vừa mang tính chất hoạt động độc lập của doanh nghiệp.
Ngay như Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính mới đây cũng là hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển du lịch. Như vậy còn những kinh phí ngoài ngân sách mà Quỹ có thể huy động sử dụng thế nào, vẫn còn tiếp tục phải quy định. Chắc chắn việc xây dựng quy chế, điều lệ cho hoạt động của một quỹ hoàn toàn mới với kỳ vọng chi tiêu hàng trăm tỷ, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng một năm không phải là việc làm đơn giản.
Việc ra đời của Quỹ nhận được sự kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung. Đây cũng là dấu mốc về sự thay đổi nhận thức và sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho phát triển du lịch. Tuy vậy, hơn 4 năm kể từ khi được quy định trong Luật, Quỹ vẫn chưa thực sự hoạt động được. Điều này cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của những người làm du lịch, mặc dù biết rằng việc xây dựng và tổ chức vận hành một quỹ có quy mô, mới về nhiều khía cạnh như vậy không hề đơn giản.
Với Dự thảo ngân sách cho Quỹ, có thể thấy, những nhà làm luật và xây dựng chính sách đã tính đến việc huy động kinh phí sao cho tốt nhất. Chắc chắn, nguồn đầu tiên phải từ ngân sách Nhà nước và ở quốc gia nào cũng vậy. Ví dụ như ở Thái Lan, nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ phát triển du lịch lấy từ ngân sách của Nhà nước là nguồn chủ đạo. Đặc biệt trong thời gian trước mắt, khi Quỹ chưa có hoạt động, hiệu quả hoạt động của quỹ chưa được xác định, việc huy động khu vực tư nhân tham gia đóng góp quỹ là rất khó khăn.
Về lâu dài, Quỹ cần được vận hành trên cơ sở phát huy tính độc lập, năng động, với một hệ thống quy định rõ ràng. Nhà nước vẫn đóng vai trò cơ bản trong việc tạo lập nguồn kinh phí cho Quỹ hoạt động.
Về mô hình quản lý quỹ, chắc chắn là nội dung phải cân nhắc nhiều. Quỹ hoạt động với mục tiêu chủ yếu là tiêu tiền để hỗ trợ phát triển du lịch, không phải để kinh doanh, không có hoặc có rất ít doanh thu. Nguồn kinh phí chủ yếu do Nhà nước cấp. Nhưng lại phải có cách tiếp cận đầu tư và chi tiêu linh hoạt của người làm kinh doanh mới đáp ứng được mục tiêu xúc tiến và hỗ trợ phát triển ngành kinh tế du lịch, vốn rất cạnh tranh và sôi động. Số tiền quỹ chi tiêu kỳ vọng lên đến hàng nghìn tỷ một năm để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của Việt Nam, đòi hỏi một cơ cấu và cơ chế hoạt động rõ ràng.
Trong điều kiện chưa có một mô hình quản lý gần hơn, việc áp dụng mô hình quản lý “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” xem ra thuận lợi hơn cả. Tuy vậy trong quá trình hoạt động chắc chắn sẽ phát sinh ra những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết để quỹ hoạt động hiệu quả.
Quỹ cần "vừa chạy vừa xếp hàng", bắt tay hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID
Nhìn chung, sự ra đời của Quỹ chắc chắn giúp các doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự. Hơn ai hết, chính doanh nghiệp là người mong mỏi hoạt động của quỹ, để đem lại nguồn khách lớn hơn, hỗ trợ những nền tảng phát triển ngành du lịch mạnh hơn, những điều mà không một doanh nghiệp đơn lẻ hay một hiệp hội doanh nghiệp nào có thể làm được. Hoạt động xúc tiến một điểm đến của một địa phương hay cả Việt Nam chắc chắn cần sự thống nhất, đầu tư lớn, để đem lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp. Việc này không một doanh nghiệp nào bao quát hết, kể cả doanh nghiệp lớn. Các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền… cũng như vậy, trong khi các doanh nghiệp lại rất cần.
Ngành du lịch trong thời điểm hiện tại gặp khó khăn rất lớn vì đại dịch COVID-19. Nhưng ngược lại, với mục tiêu xúc tiến và phát triển du lịch, hoạt động của Quỹ rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Đơn cử như để xúc tiến thị trường du lịch nội địa, các doanh nghiệp đã và đang rất cố gắng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cố gắng nhưng không thể ứng phó, đầu tư linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh được. Ngược lại, Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch có thể lập tức bắt tay làm được ngay việc này.
Dù vậy đối với nhiều doanh nghiệp du lịch, mục tiêu ngay lúc này là tồn tại và cần những giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp. Chúng ta cần xác định đó không phải mục tiêu, nhiệm vụ của Quỹ, mà là vấn đề của các hoạt động hỗ trợ khác của Nhà nước. Doanh nghiệp một khi xác định như vậy, thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài mà Quỹ mang lại, sẽ cùng hợp tác, kiến tạo cơ chế phối hợp hiệu quả.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp