CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Khi nhắc đến khu vực nào “chiếm sóng” đầu tư lớn nhất tại thị trường bất động sản TP.HCM trong những năm trở lại đây, chắc chắn câu trả lời sẽ là khu Đông thành phố (trước đây gồm các quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2). Nguyên nhân chính giống như “liều thuốc kích thích” cho thị trường phát triển đó là việc thành lập TP. Thủ Đức và đi kèm là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ.
Tuy nhiên, khi một khu vực thời gian dài trở thành “điểm nóng” phát triển thì dư địa sẽ không còn nhiều, do đó, buộc nhà đầu tư phải có hướng đi mới, tìm đến thị trường mới để phát triển.
Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế nhận xét, kể từ khi có thông tin thành lập TP. Thủ Đức, khu Đông TP.HCM đã trở thành “tâm điểm” của thị trường bất động sản TP.HCM, khi lượng nhà đầu tư đã dồn sự quan tâm mạnh về khu vực này.
Dù vậy, nhìn nhận từ thực tế, TS. Lê Bá Chí Nhân lại cho rằng, ở TP.HCM mật độ dân số qua các năm đều tăng, dẫn đến quỹ đất đang dần bị thu hẹp, do đó, khi một khu vực đã cơ bản lấp đầy thì nhà đầu tư sẽ phải tìm đến khu vực khác để phát triển.
Theo vị chuyên gia này, khu Tây và khu Bắc TP.HCM đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tại đây, chính quyền thành phố có các chủ trương đúng đắn trong việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng để kết nối vùng. Trong đó, khu Tây có đường vành đai 4 đi qua Long An; khu Bắc có cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (kết nối với Tây Ninh), là những lợi thế để hai khu vực này phát triển.
Tuy nhiên, “để có thể phát triển một cách hoàn chỉnh sẽ phải mất ít nhất từ 5 năm, thậm chí 10 năm. Bởi, các dự án hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình thực hiện”, TS. Lê Bá Chí Nhân nói và đưa ra nhận định: “Việc các nhà đầu tư đón đầu ở những khu vực này là đúng, nhưng cần phải có sự cân nhắc, khi đây là việc đầu tư chiến lược về lâu dài, còn trong ngắn hạn để có thể sinh lời cao là rất khó”.
Mặt khác, TS. Lê Bá Chí Nhân cũng chỉ ra, việc để đầu tư một dự án, doanh nghiệp bất động sản cần phải có nguồn lực tài chính lớn để chạy đua với thời gian. Hiện nay, để hoàn tất một thủ tục đầu tư phải mất ít nhất 3 năm và đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang “đứng hình”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc ASIAN Holding cũng cho rằng, khu Đông TP.HCM là “điểm nóng” phát triển trong thời qua, đặc biệt khi TP. Thủ Đức được thành lập giá đất đã tăng từ 20-30%, thậm chí có những khu vực tăng đến 50%.
Nhưng khi nói về khu vực tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hậu lại cho rằng, ngoài khu Tây Bắc thì còn có khu Nam TP.HCM, đây là những khu vực hiện đang có dư địa khá lớn và là thị trường tiềm năng cho nhà đầu tư.
Tổng giám đốc ASIAN Holding cũng chỉ ra những lợi thế giúp cho khu vực Tây Bắc phát triển trong thời gian tới như thông tin về quy hoạch các huyện Củ Chi, Hóc Môn sẽ lên quận hay thành lập TP. Tây Bắc TP.HCM… Cùng đó, loạt hạ tầng giao thông đang được chú trọng đầu tư, điển hình như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành kết nối với tỉnh Tây Ninh hay ở khu Nam khi cầu Cần Giờ được khởi công xây dựng sẽ giúp kết nối với trung tâm thành phố.
Dự báo về phân khúc sẽ “chiếm sóng” tại khu vực Tây Bắc trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hậu nhận định, những dự án khu dân cư có các phân khúc nhà phố, shophouse sẽ dễ hấp thụ hơn, khi mà nhu cầu đời sống của người dân đang dần được cải thiện.
Riêng về khu Tây TP.HCM, lãnh đạo ASIAN Holding đánh giá, khu vực này hiện nay tuy vẫn còn dư địa nhưng để phát triển thì không còn cao. “Có thể thấy, tiếp giáp với khu Tây TP.HCM là tỉnh Long An có một số khu vực mức giá hiện nay đã lên đến 40 triệu đồng/m2, nếu so sánh với khu Tây TP.HCM thì mức giá này cao hơn nhiều. Để kiếm một căn hộ chung cư có giá 40-50 triệu ở khu vực này là rất khó”.
Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, thị trường chiếm phần lớn thị phần các dự án bất động sản là khu Tây và khu Bắc TP.HCM. Đơn cử như phân khúc nhà phố, biệt thự, theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, trong quý II/2021 thị trường đón nhận 273 căn mở bán đến từ 11 dự án (bao gồm 8 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), bằng 79% so với quý trước và bằng 37% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 66% (tương đương 180 căn), bằng 91% so với quý I/2021 và bằng 35% so với cùng kỳ năm 2020.
DKRA Việt Nam cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh tái bùng phát tại TP.HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ trong quý sụt giảm mạnh so với quý trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ không còn tập trung chủ yếu ở khu Đông, mà phân bổ đều vào những khu vực như khu Tây và khu Bắc, bởi đây là những khu vực có quỹ đất rộng và mức giá bán còn khá mềm.