CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thông tin trên được chia sẻ tại sự kiện NEAR APAC, sự kiện công nghệ quốc tế diễn ra ở TP.HCM mới đây. Theo đó, các chuyên gia, đại diện của nhiều tổ chức công nghệ lớn trên thế giới đánh giá, khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) chiếm 60% dân số toàn cầu, với tỉ lệ dân số trẻ cao. Châu Á là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, chiếm gần 48% trong năm 2021.
"Có khoảng 24 triệu developers (lập trình viên công nghệ - PV) tại khu vực APAC, ước tính con số này sẽ tăng 20% trong năm 2024. Nền kinh tế số tại khu vực SEA đạt 194 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ chạm mốc 330 tỷ USD trong năm 2025. Điều đó đã chứng tỏ Châu Á là một thị trường rộng lớn, tiềm năng và sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Với dân số trẻ có khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới", đại diện NEAR APAC cho biết.
Các chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, Việt Nam hứa hẹn là quốc gia đi đầu của làn sóng biến đổi của công nghệ số, với đại diện tiêu biểu là Web3.
"Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50% dân số quốc gia là một trong những lợi thế giúp Việt Nam giữ vị thế tăng trưởng về kinh tế số. Thị trường trăm triệu dân hiện đứng thứ 2 về số lượng developers trong lĩnh vực Blockchain tại khu vực SEA. Tương tự, cũng là vị trí thứ 2 trong việc thích ứng với Tài chính phi tập trung (DeFi)", đại diện công ty GFI, thành viên tổ chức NEAR APAC chia sẻ.
Việt Nam hiện có hơn 200 dự án blockchain hoạt động trên nhiều lĩnh vực bao gồm GameFi (sự kết hợp giữa game và tài chính); DeFi hoặc tài chính phi tập trung (một công nghệ tài chính mới nổi dựa trên sổ cái phân tán an toàn tương tự như công nghệ được sử dụng bởi tiền điện tử); mã thông báo không thể thay thế (NFT); Web3; cơ sở hạ tầng và ví, theo dữ liệu ngành.
Trong khi đó, dự báo của MarketsandMarkets một công ty nghiên cứu thị trường dịch vụ và công ty tư vấn chỉ ra, thị trường liên quan đến blockchain của Việt Nam có thể trị giá gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần so với năm 2021.
Một trong những sản phẩm đặc biệt của blockchain là crypto (tiền mã hoá - PV). Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển crypto ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Điều này tạo ra rào cản khiến người dùng chưa thể tự tin đầu tư nhiều hơn.
Trong khi đó, giao dịch crypto không được bảo vệ trên blockchain giữa các cá nhân/tổ chức với nhau. Điều này sẽ gây cản trở nhiều trong việc bảo vệ nhà đầu tư, cũng như phòng chống tội phạm công nghệ.
"Việc không có pháp lý rõ ràng nên dẫn đến việc khó khăn khi thành lập các startup Web3 tại VN và xa hơn là việc "chảy máu chất xám". Phản ánh rõ ràng nhất của việc này chính là rất nhiều dự án Blockchain, Web3 của Việt Nam nhưng đều đặt trụ sở tại nước ngoài và phát triển sản phẩm tập trung vào những thị trường đó hơn là Việt Nam", các chuyên gia cùng nhận định.