CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Cạn margin, tin đồn thất thiệt về Covid-19 lan rộng, sự thất vọng về hệ thống giao dịch mới của HoSE sau vài phiên vận hành... có thể là lý do khiến nhà đầu tư bán tháo.
Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn phiên giao dịch chiều 6/7.
Căng margin, tin đồn và hệ thống mới không đạt kỳ vọng
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch chiều nay (6/7) khiến nhà đầu tư bàng hoàng, choáng váng vì thị trường đang ở trạng thái tăng bỗng chốc chuyển sang đỏ rực trong chớp mắt, VN-Index bốc hơi 56,34 điểm. Nhiều nhà đầu tư đặt ra nghi vấn hệ thống giao dịch mới bị lỗi kỹ thuật, "úp bô" nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã bác bỏ thông tin này. Trong khi đó, lãnh đạo một số công ty chứng khoán đã đưa ra một số nhận định ban đầu về nguyên nhân khiến thị trường "tắm máu" trong phiên giao dịch hôm nay.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân (Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam), chưa thể khẳng định được chính xác lý do thị trường chứng khoán giảm mạnh phiên giao dịch chiều nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm hôm nay, nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam giảm có thể xuất phát từ tin xấu trong nước, cụ thể là tin đồn liên quan đến dịch bệnh tại TP.HCM và Hà Nội.
“Lực bán đã xuất hiện từ hôm qua, nhưng lực mua đỡ rất tốt khiến thị trường không bị giảm mạnh. Tuy nhiên, tin đồn xấu lan rộng chiều nay khiến nhà đầu tư bán tháo ồ ạt”, ông Minh nhận định.
Thực tế, hôm nay, trên các trang mạng xã hội, tin đồn về phong tỏa TP.HCM tiếp tục lan rộng dù Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã bác bỏ thông tin này.
Ngoài lý do tin đồn, ông Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh là do thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang bị định giá cao, margin căng cứng, hầu hết nhà đầu tư đều đang có hàng nên sẵn sàng bán chốt lời khi thị trường có tin xấu.
“Hôm nay, khối lượng giao dịch không cao, nhưng thanh khoản lớn cho thấy chủ yếu các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán, khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng sợ. Nhóm cổ phiếu giảm mạnh đầu tiên là nhóm chứng khoán, kế tiếp là nhóm ngân hàng, đây cũng là hai nhóm chiếm vốn margin thời gian qua rất lớn, tạo tâm lý bán tháo, hoảng sợ ngày hôm nay”, ông Minh nhận xét.
Tương tự, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, ngoài lý do tin đồn, nguyên nhân khiến chứng khoán giảm sâu phiên giao dịch hôm nay là do một số cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua và đang bị định giá cao, hạn mức margin nhiều công ty chứng khoán đã cạn kiệt, kết quả kinh doanh ước tính quý II/2021 của một số nhóm doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng…
Một nguyên nhân nữa khiến nhà đầu tư có tâm lý lo lắng là kỳ vọng về hệ thống mới của nhà đầu tư đã không được đáp ứng.
Cụ thể, theo ông Lê Ngọc Nam, trước khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM triển khai hệ thống mới, nhà đầu tư kỳ vọng giá trị giao dịch sẽ tăng vọt, vượt xa ngưỡng 1 tỷ USD, các chỉ số sẽ tốt . Tuy nhiên, diễn biến 2 phiên trở lại đây cho thấy kỳ vọng đó đang không được đáp ứng, tâm lý lo sợ vì thế xuất hiện.
Giữ vững tâm lý, chỉ tập trung vào mã cổ phiếu có dòng tiền
Dự báo về thị trường ngày mai, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm ít nhất 2/3 phiên sáng do yếu tố quán tính. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh từ nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ giúp thị trường sớm cân bằng trở lại.
Dù vậy, việc thị trường chứng khoán mất mốc hỗ trợ 1.400 điểm, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng là dấu hiệu tiêu cực trong ngắn hạn.
Ông Khánh khuyến cáo, nhà đầu tư phải quan sát kỹ các mốc hỗ trợ tiếp theo là 1.300-1.320; 1.230-1.250. Về dài hạn, dòng tiền đổ vào chứng khoán tiếp tục dương song sẽ ít dần đi.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư phải xem xét kỹ từng mã cổ phiếu nắm giữ, mà mã không mất mốc hỗ trợ có thể nắm giữ, mã nào âm tiền thì nên canh hồi để bán.
“Giai đoạn này chỉ nên tập trung vào những mã có dòng tiền, giảm tỷ trọng cổ phiếu (nhất là các mã cổ phiếu tăng nóng thời gian qua như ngân hàng, chứng khoán), giảm vay margin. Đặc biệt, phải giữ tâm lý, tinh thần tốt để khi thị trường xấu thì cũng có thể đưa ra những quyết định chính xác. Còn thở là còn gỡ”, ông Khánh nói.
THEO BÁO ĐẦU TƯ