CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường thịt chục tỷ USD vẫn chờ doanh nghiệp Việt khai thác

Invest Global 10:55 25/04/2023

Trong báo cáo mới phát hành, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng giá lợn hơi sẽ cải thiện từ quý 2/2023 và cải thiện rõ rệt hơn trong quý 3/2023 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. 

Kỳ vọng thuận lợi cho nhà sản xuất thịt

Theo đó, dự phóng giá lợn tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lên 59.000 đồng/kg trong năm 2023 nhờ thị trường Trung Quốc phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại, điều này có thể ảnh hưởng một phần đến giá trong nước, và nguồn cung từ các hộ chăn nuôi giảm.

Không những vậy, giá hàng hóa nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thuận lợi hơn cho các DN sản xuất thịt. Chẳng hạn như giá ngô và khô đậu tương được dự báo giảm 7,9% và 1,8% so với năm trước. 

-8909-1682326372.jpg

Một trong những động lực chính của thị trường thịt Việt Nam là mức tiêu thụ thịt lợn cao, là loại thịt phổ biến nhất trong nước.

Do giá nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi có độ trễ từ 3-6 tháng so với biến động giá nông sản thế giới, giới phân tích cho rằng giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt dần từ quý 2/2023. Các DN sản xuất thịt được kỳ vọng sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện ở mức trung bình khoảng 2 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2023.

Thông tin đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của CTCP tập đoàn Masan (Masan Group) tổ chức vào ngày 24/4 ở Tp.HCM cho thấy, đơn vị thành viên là CTCP Masan MEATLife (MML) - một DN lớn trong ngành sản xuất thịt, dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ tăng cao nhờ tỷ lệ tiêu thụ cao hơn, tăng trưởng doanh số bán thịt chế biến và kiểm soát chi phí.

Trong quý 1/2023, MML đã đạt tăng trưởng doanh thu 13%, EBITDA (chỉ số phản ảnh lợi nhuận của DN trước trước lãi vay, thuế thu nhập và khấu hao) đạt điểm hòa vốn. 

Khi thực hiện chương trình giảm giá và giá thịt heo giảm cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận MML. Tuy nhiên, việc đạt điểm hòa vốn là điều tích cực để DN này hướng tới chỉ tiêu doanh thu cho năm nay và các năm tiếp khi mở rộng danh mục thịt heo mát, thịt gà mát và các sản phẩm chế biến từ heo, gà.

Có thể nói, nhu cầu yếu là lý do khiến các công ty 3F (chuỗi cung ứng thực phẩm thịt khép kín từ trang trại đến bàn ăn) chần chừ trong việc đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, ngoại trừ những DN lớn hay những “tay chơi” mới muốn thâm nhập sâu và thâu tóm thị phần ngành thịt.

Thị phần sẽ thuộc về những “ông lớn”

Nhất là khi ngành sản xuất thịt vẫn còn đối mặt với không ít rủi ro. Việc người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt hầu bao có thể khiến nhu cầu thịt yếu hơn dự kiến. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt trong năm 2023. Chưa kể, căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển ở Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu.

Rủi ro là vậy, nhưng xét về tiềm năng tăng trưởng dài hạn thì các DN sản xuất thịt trong nước vẫn đầy triển vọng. Trong tài liệu của Masan Group, khi đề cập đến ngành thịt của Việt Nam có cho rằng với quy mô thị trường là hơn 15 tỷ USD, ngành này sẽ có mức tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới, với kỳ vọng đạt 20% trở lên trong các mặt hàng chính như thịt heo, thịt gia cầm và thịt chế biến. 

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi một số yếu tố ở trong nước, bao gồm quy mô dân số gần 100 triệu người, GDP của nền kinh tế tăng và quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt.

Tuy vậy, dù chuỗi giá trị thịt ở trong nước có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng đòi hỏi các DN Việt cần phải chú trọng nhiều hơn về mặt thị trường và dẫn dắt thay đổi.

Giới chuyên gia lưu ý với thị trường thịt lợn (10 tỷ USD), thịt gia cầm (2,5 tỷ USD) và thịt chế biến (3 tỷ USD) chưa được khai thác, các DN ngành thịt của Việt Nam cần sẵn sàng cho bước tăng trưởng đáng kể trong quá trình đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Một trong những động lực chính của thị trường thịt Việt Nam là mức tiêu thụ thịt lợn cao, loại thịt phổ biến nhất trong nước. Việt Nam có mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 

Ngoài thịt lợn, tỷ lệ tiêu thụ thịt gia cầm trong nước cũng ở mức cao, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ đạm động vật hàng đầu trong số các thị trường mới nổi.

Điểm đáng lưu tâm là dù có tiềm năng to lớn, nhưng ngành thịt Việt Nam kém phát triển, không có tiêu chuẩn thống nhất, thiếu những DN quy mô và dẫn đầu thị trường. Chưa kể, ngành này gặp một số khó khăn do phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và con giống, cũng như những thách thức trong giết mổ, chế biến, kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Nói chung, nhìn vào tình hình thực tế hiện nay và những dự báo đầy triển vọng về quy mô ngành thịt, để tận dụng khai thác hiệu quả thì không ai khác hơn là những “ông lớn” DN hàng đầu, có tiềm lực tài chính mạnh.

Những DN như vậy có thể sẽ giành thị phần lâu dài trên thị trường thịt Việt Nam từ xu hướng hợp nhất và khả năng tích hợp ngành dọc mạnh mẽ. Điều quan trọng là họ cần tận dụng tốt các xu hướng tất yếu của ngành trong trung và dài hạn thì chắc chắn sẽ thâu tóm được thị phần lớn.

                                                                                                      Thế Vinh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan