CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Nhiều chuyên gia cùng các công ty chứng khoán cho rằng, điều nhà đầu tư cần làm sau phiên giảm điểm mạnh là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Ảnh: Internet
Phiên 20/8, thị trường chứng khoán ghi nhận giá trị giao dịch trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt kỷ lục với hơn 48.500 tỷ đồng (tương đương 2,1 tỷ USD).
Thanh khoản tăng đột biến trong điều kiện thị trường có nhịp giảm mạnh. Theo đó, việc không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến thị trường giảm từ đầu phiên và chỉ có mức hồi nhẹ khi các cổ phiếu giảm về vùng hỗ trợ hấp dẫn để kéo dòng tiền vào bắt đáy. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index giảm 45,42 điểm xuống 1.329,43 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ phiên 19/7 (mất gần 56 điểm), qua đó khép lại một tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp.
Chỉ số VN30 giảm 3,63% về mức 1.450,45 điểm với toàn bộ các cổ phiếu trong rổ kết phiên trong sắc đỏ. Chỉ số VNMidcap và VNSmallcap cùng chung trạng thái tuy nhiên biên độ thấp hơn, lần lượt là -3% và -1,85%. Dù vậy, thị trường cũng ghi nhận không ít các cổ phiếu nỗ lực đi ngược xu thế chung. Tại nhóm Chứng khoán, SSI kết phiên sát tham chiếu, HCM tăng 1,1% trong khi CTS tăng 5,8%, nhiều mã nhỏ hơn vẫn tăng mạnh, thậm chí tăng trần. Lĩnh vực cảng biển chứng kiến HAH tăng mạnh 4,9% trong khi GMD, VSC và SGP kết phiên trên tham chiếu. Nhóm Phân bón cũng tích cực trở lại khi DPM tăng 3,6%, LAS tăng 3,6% còn DDV tăng tới 8,9%.
“Chỉ số VN-Index giảm mạnh 3,3% với khối lượng giao dịch (KLGD) tăng đột biến gần 80%, điều này cho thấy lực bán ra rất mạnh song song với đó là lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp. Sau phiên giảm cuối tuần, xu hướng ngắn hạn của VN-Index đã chuyển sang giảm với vùng hỗ trợ 1.300-1.320 điểm; trong khi đó vùng 1.350-1.354 điểm là vùng kháng cự cho các đợt hồi phục ngắn của chỉ số”, SSI phân tích.
Tương tự, MBS cũng nhận định, điểm sáng của phiên giảm sâu này là thị trường đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy để giúp hãm đà rơi của chỉ số, và điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) phân tích thêm, trước cú giảm điểm vào ngày thứ 6, VN-Index đã có 4 phiên giao dịch khá tốt ở đầu tuần và đạt mốc 1.375 điểm, tức là tăng 1% so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, thị trường bất ngờ giảm sâu, có thời điểm VN-Index đã giảm hơn 57 điểm dù đã thu hẹp đà giảm vào cuối phiên, đi kèm với đó là thanh khoản kỷ lục.
“Nhìn chung, phiên ngày 20/8, tâm lý nhà đầu tư lại bị tác động bởi những thông tin dịch bệnh phức tạp tại TP.HCM và các biện pháp mạnh để phòng chống dịch tại thành phố này. Trước đây, khi TP.HCM hay các tỉnh phía Nam đưa ra các biện pháp để giãn cách xã hội hay Chỉ thị 16 thì TTCK cũng phản ánh rất tiêu cực, và phiên 20/8 cũng không ngoại lệ, trong nhiều thời điểm, nhà đầu tư đã tỏ ra hoảng loạn. Thông thường, những phiên giảm mạnh do ảnh hưởng bởi tâm lý như vậy, thị trường sẽ cân bằng và hồi phục trở lại. Rất có thể, với quán tính giảm như thế này, đầu tuần sau, thị trường sẽ tiếp tục giảm để kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ 1.310-1.315 điểm và sau đó sẽ hồi phục về cuối tuần”, ông Ngọc dự báo.
Về phần mình, ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc kinh doanh VNDirect cho rằng, bản chất của thị trường trong giai đoạn vừa qua vẫn ở trong chu kỳ phân phối. Với xu hướng giảm mạnh ở phiên 20/8, trong đầu tuần tới khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng tâm lý và ổn định về cuối tuần, VN-Index dao động trong vùng 1.200-1.350 điểm, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm/ mã cổ phiếu.
“Phiên 20/8 là nhịp chỉnh trong một Uptrend dài hạn, do đó, nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy ở thời điểm hiện tại và chờ khi thị trường điều chỉnh về quanh mức 1.200 điểm. Đồng thời nên lựa chọn đầu tư những cổ phiếu có đà tăng trưởng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát như logistics và vận tải”, ông Phan Mạnh Hà dự báo.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ