CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhà đầu tư: Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần bổ sung quy định trong Luật Chứng khoán và điều lệ các sở giao dịch chứng khoán về việc nếu vi phạm vào quyền huỷ, sửa lệnh của nhà đầu tư, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và có một mức phạt cụ thể cho hành vi nghiêm trọng này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: ANVI
Từ đầu tháng 6 đến nay, các công ty chứng khoán lớn đơn phương áp đặt việc không cho phép sửa, huỷ lệnh trên sàn HOSE, với lý do để giảm tải cho hệ thống.
Việc không thể huỷ/ sửa lệnh khiến nhiều nhà đầu tư không thể cắt lệnh bán giá thấp khi thị trường tăng hay cắt lệnh mua giá cao khi thị trường đi xuống, và một tỷ lệ không nhỏ dùng lệnh MP để giao dịch, được coi là một yếu tố chính đẩy thị trường lao dốc trong hai phiên đầu tuần.
Chiều 9/6, sau khi hứng chịu sự phản ứng dữ dội của nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán đã mở lại tính năng này, tuy nhiên vẫn bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tắt tính năng huỷ/ sửa lệnh nếu hệ thống quá tải, bị nghẽn.
Trên các diễn đàn chứng khoán lớn, không khó để chứng kiến sự bức xúc của phần đông nhà đầu tư. Họ đặt vấn đề việc không cho huỷ/ sửa lệnh dẫn tới thiệt hại rất lớn, và có căn cứ để khởi kiện HOSE hay công ty chứng khoán để đòi quyền lợi được hay không.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thì nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán là tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân; Công bằng, công khai, minh bạch; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là tuân theo quy định của pháp luật và Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trong Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nêu rõ: Trường hợp thành viên sử dụng hệ thống nhập lệnh tại sàn, khi nhập sai lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ, đại diện giao dịch được phép sửa lệnh giao dịch bằng cách hủy lệnh sai, nhập lại lệnh đúng, nhưng phải xuất trình bản sao lệnh gốc của khách hàng và được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận; Việc sửa lệnh giao dịch có hiệu lực khi lệnh chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện; Thành viên được phép hủy lệnh chưa thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện trong thời gian khớp lệnh liên tục khi khách hàng yêu cầu.
Như vậy Quy chế của HoSE đã quy định rõ nhà đầu tư được phép hủy, sửa lệnh. Tuy nhiên, Quy chế không nêu rõ là nếu quyền huỷ lệnh, sửa lệnh của nhà đầu tư bị xâm phậm bên nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao.
Rất khó để nhà đầu tư khởi kiện
Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng rất khó để nhà đầu tư có thể kiện được công ty chứng khoán hay HOSE vì không có quy định cụ thể và cũng chẳng thể lượng hoá được thiệt hại với từ "nếu".
"Nếu có quy định rõ ràng trong hợp đồng, trong Luật, Quy chế thì cứ thế mà áp dụng. Nhưng đây là những "thiệt hại" không đo đếm được, chỉ là "nếu" không đặt lệnh này mà đặt lệnh kia thì đã được từng này hoặc ngược lại thì rất khó để đưa ra kiện, thiệt hại không thể chứng minh được. Và ở đây để quy trách nhiệm thì càng khó khi vấn đề là ở lỗi hệ thống", ông Đức nói.
Ở thời điểm hiện tại, theo ông Đức vấn đề cần đặt ra chính là năng lực quản lý của lãnh đạo HoSE, UBCKNN và Bộ Tài chính. Về tốc độ tăng trưởng quy mô thị trường chứng khoán là có thể đo đếm được. Về nguyên tắc làm kế hoạch là không tính khớp mà phải tính gấp nhiều lần quy mô giao dịch. Ví dụ sản xuất một cái xe ô tô thì thiết kế là đi 200km/h vẫn an toàn nhưng chỉ để chạy 100km/h. Vì thế, không thể lường trước được kịch bản như ngày hôm nay là do sự yếu kém của cán bộ quản lý. Và đã yếu kém thì phải nhận lỗi, thậm chí nhiều lần sửa đổi không được thì nên từ chức. Việc một quan chức từ chức không thay đổi được ngay vấn đề nhưng sẽ mang tính răn đe, tạo ra kỷ cương trong hệ thống.
Còn ở thời điểm hiện tại, theo ông Đức, chưa thấy bất cứ ai ở HoSE đứng ra nhận trách nhiệm, cần phải xem lại về tính chuyên nghiệp, sự mẫn cán và trách nhiệm của các cán bộ quản lý tới đâu và tuỳ từng lỗi mà xử lý.
Cùng với đó, ông Đức khuyến nghị, nên bổ sung chế tài xử lý, có điều khoản mẫu theo thông lệ tốt nhất về việc khi quyền sửa, huỷ lệnh của nhà đầu tư bị vi phạm thì ai chịu trách nhiệm, phải trả bao nhiêu cho nhà đầu tư thì mời sòng phẳng, đảm bảo được lòng tin của nhà đầu tư với thị trường.
"Mục tiêu của quy định trên là để thị trường tốt lên, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, dù mức phạt có thể thấp có thể cao nhưng nó mang tính răn đe về việc tuân thủ quy định trên thị trường. Tất nhiên, cũng có những trường hợp bất khả kháng, lý do khách quan và như vậy nhà đầu tư cũng nên đồng hành cùng cơ quan quản lý, công ty chứng khoán", ông Đức chia sẻ.
HOSE nói gì?
Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo HOSE, về mặt bản chất, hệ thống chung của HOSE đã phát đi tín hiệu cảnh báo, do đó, việc các công ty áp dụng hạn chế hủy/sửa lệnh là nhằm hạn chế lỗi 2G (một dạng lỗi kỹ thuật) chạm ngưỡng, gây rủi ro “sập” hệ thống. “Đây là giải pháp tình thế, gây ra sự bất tiện cho nhà đầu tư, nhưng vì mục tiêu chung là an toàn cho toàn hệ thống nên vẫn phải áp dụng và rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư”, đại diện của HOSE nói.
Bên cạnh đó, đại diện từ HOSE cũng thông tin rằng, hiện tượng nghẽn lệnh sẽ còn diễn ra trong thời gian từ nay tới cuối tháng. Hiện, HOSE đang phối hợp cùng FPT hoàn thành hệ thống đúng hạn cuối tháng 6 này để giải quyết triệt để tình trạng quá tải.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ