CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát nhằm duy trì ổn định tiền tệ tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Tại buổi gặp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, năm 2020 là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có. Dịch bệnh COVID-19 đã và đang lan rộng trên thế giới là một cú sốc lớn đối với hoạt động xã hội, kinh tế của toàn thế giới, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi các phương thức tương tác truyền thống trong văn hóa, xã hội và kinh tế. Hoạt động kinh tế-xã hội bị gián đoạn trên toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho các doanh nghiệp và các quốc gia.
Bất chấp những khó khăn của kinh tế, thương mại thế giới và trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng dương nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Vừa qua, IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,4%, ở mức cao nhất trên thế giới với mức lạm phát được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đặt ra.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng Việt Nam đã tích cực chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong thời gian dịch bệnh cũng như trong thời kỳ phục hồi hoạt động kinh tế, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm phí trong giao dịch thanh toán… đã và đang được đánh giá cao, góp phần chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng.
Song song với việc hỗ trợ phòng chống dịch và phục hồi hoạt động kinh tế, công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu cũng đã được triển khai tích cực. Hệ thống ngân hàng đã tiếp tục các hoạt động cải cách cơ cấu, xây dựng và triển khai các chính sách, khuôn khổ và cơ chế giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực quản trị điều hành của hệ thống ngân hàng.
Những nỗ lực lớn lao và đóng góp của ngành Ngân hàng cũng như từng ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trong khủng hoảng dịch bệnh, trong khi vẫn phải tiếp tục đảm bảo hoạt động an toàn lành mạnh đã được công chúng hoan nghênh và đón nhận, giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế, củng cố lòng tin của thị trường, các nhà đầu tư và duy trì ổn định hệ thống tài chính.
Theo Thống đốc, năm 2021 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu kép vừa tích cực tập trung phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các mục tiêu này được triển khai song song với các chương trình phát triển quốc gia, đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực trọng yếu cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát nhằm duy trì ổn định tiền tệ tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng.
NGUỒN CafeF