CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, nếu thống nhất kiểm tra chất lượng, ATTP hàng nhập khẩu vào một đầu mối, mỗi năm, nền kinh tế có thể tiết kiệm khoảng 400 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Ông có thể ước định, hiệu quả của mô hình mới so với hiện nay thế nào?
Hiện nay, cơ quan hải quan tại cửa khẩu thực hiện quản lý nhà nước về hải quan, còn bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tùy theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, ATTP đối với hàng nhập khẩu. Mỗi loại hình kiểm tra có trình tự, thủ tục khác nhau, được quy định tại các luật chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí vì phải thực hiện nhiều bước, nhiều thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức.
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh trong trao đổi thương mại qua biên giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án Cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch). Theo đó, sẽ thống nhất tập trung kiểm tra vào một đầu mối là cơ quan hải quan, còn các bộ quản lý chuyên ngành chỉ thực hiện hậu kiểm.
Theo tính toán, mô hình mới sẽ giảm được 54,4% số tờ khai phải kiểm tra chất lượng, ATTP. Năm 2019, tổng số tờ khai phải kiểm tra khoảng 158.500 tờ, nếu áp dụng mô hình mới thì giảm được 86.170 tờ, giúp doanh nghiệp giảm được hơn 1.481.000 ngày công, tương đương 881 tỷ đồng cho việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chất lượng, ATTP. Như vậy, cả nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 9.285 tỷ đồng (400 triệu USD).
Thưa ông, dựa vào đâu để đưa ra con số trên?
Theo mô hình hiện nay, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu do các bộ, ngành thực hiện phải qua 10 thủ tục (không kể thủ tục quản lý nhà nước về hải quan) và doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia 3/10 thủ tục. Áp dụng mô hình mới sẽ cắt giảm được 3 thủ tục, đồng thời kết hợp tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký tờ khai hải quan với hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng vào một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm là hải quan.
Thủ tục kiểm tra ATTP đang thực hiện theo 5 bước (không kể quản lý nhà nước về hải quan), nhưng theo mô hình mới thì chỉ còn 3 bước và doanh nghiệp không phải tham gia trực tiếp vào quá trình này.
Chưa kể, toàn bộ giao dịch giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan được thực hiện qua cổng thông tin điện tử, sẽ tránh được tiêu cực phát sinh trong quá trình làm thủ tục kiểm tra chất lượng, ATTP.
Khi giao cơ quan hải quan làm đầu mối, tôi tin rằng, tiến độ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành sẽ được thực hiện đúng theo yêu cầu của Chính phủ, qua đó thúc đẩy thương mại qua biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kiểm tra chuyên ngành đòi hỏi kinh nghiệm, thiết bị, nguồn nhân lực có chuyên môn cao, trong khi đây không phải là chuyên môn, nghiệp vụ của ngành hải quan. Giao về một đầu mối, nếu xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm như trường hợp pa-tê Minh Chay vừa qua, thì ai sẽ chịu trách nhiệm, thưa ông?
Quản lý chất lượng, ATTP hàng nhập khẩu vẫn do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm. Mô hình mới chỉ bỏ (hoặc giao cơ quan hải quan thực hiện) thủ tục, quy trình kiểm tra chuyên ngành chất lượng, ATTP hàng nhập khẩu tại cửa khẩu. Vì vậy, khi xảy ra trường hợp hàng hóa nhập khẩu không bảo đảm chất lượng, ATTP, thì các cơ quan hữu quan phải cùng chịu trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ giao.
Với kinh nghiệm đã được tích lũy sau nhiều năm, cộng với thiết bị, máy móc, cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực ngày càng được đầu tư bài bản, tôi khẳng định rằng, nếu Chính phủ giao trách nhiệm làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, ATTP hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ đảm đương được.
Nguồn Báo Đầu Tư