CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thu hút vốn FDI vào TP.HCM giảm 43,6% trong 8 tháng

Invest Global 09:48 06/09/2021

Nhàđầutư: Tính từ ngày 1/1 đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP.HCM là 2,18 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn FDI giảm mạnh

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố là 2,18 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, cấp mới có 386 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 375,5 triệu USD, giảm 52,7% về số giấy phép và giảm 50,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu ở 3 ngành là kinh doanh bất động sản, thương nghiệp và vận tải kho bãi.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản chiếm 57% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương là 214,1 triệu USD, kế đến là thương nghiệp chiếm 15,9%, vốn đăng ký là 59,7 triệu USD và vận tải kho bãi chiếm 14,2%, vốn đăng ký đạt 53,2 triệu USD.

Trong 8 tháng năm 2021, thu hút vốn FDI vào TP.HCM đạt 2,18 tỷ USD, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: Lý Tuấn

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, hai quốc gia có tỷ trọng vốn cao và chiếm đến 76,2% tổng vốn đăng ký là Singapore 59 dự án, vốn 204,9 triệu USD (chiếm 54,6%) và Hà Lan 13 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD (chiếm 21,6%).

Theo hình thức đầu tư thì có 359 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 278,6 triệu USD; liên doanh có 27 dự án, vốn đăng ký là 96,9 triệu USD.

Về điều chỉnh vốn đầu tư có 117 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 647,3 triệu USD, giảm 40,6% về số giấy phép, nhượng vốn đăng ký tăng 54,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn tăng 311 triệu USD (chiếm 48% tổng vốn điều chỉnh); hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là 156,2 triệu USD (chiếm 24,1%) và thương nghiệp là 132,6 triệu USD (chiếm 20,5%).

Đặc biệt, Nhật Bản là nhà đầu tư có vốn điều chỉnh cao nhất, với số vốn tăng là 280,2 triệu USD, chiếm 43,3%; tiếp theo là Singapore đạt 97,9 triệu USD (chiếm 15,1%) và Vương quốc Anh với 82,6 triệu USD (chiếm 12,8%).

Bên cạnh đó, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 1.626 trường hợp với tổng vốn đạt 1,15 tỷ USD, giảm 57% về vốn so với cùng kỳ.

Ngoài ra, dự án chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động từ đầu năm đến ngày 20/8/2021 là 89 dự án, với tổng vốn đầu tư là 100,7 triệu USD. Dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố đến ngày 20/8/2021 là 10.269 dự án, với vốn đăng ký là 49,1 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Thu ngân sách đạt hơn 70%

Theo Cục Thống kê TP.HCM, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục đạt kết quả khả quan trong 8 tháng năm 2021. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM lũy kế 8 tháng năm 2021 ước thực hiện 255.687 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 165.682 tỷ đồng, đạt 66,7% dự toán và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 18.480 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán và tăng 15,4%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 46.726 tỷ đồng, đạt 69% dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 42.806 tỷ đồng, đạt 69% dự toán và tăng 11,5%.

Trong 8 tháng năm 2021, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố khoảng 80.740 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Thu dầu thô ước thực hiện 9.245 tỷ đồng, vượt 8,1% so dự toán, chiếm 3,6% tổng thu cân đối và tăng 18%.

Bên cạnh đó, thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 8 tháng năm 2021, ước thực hiện 50.757 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán, chiếm 19,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, theo Cục Thống kê TP.HCM, trái ngược với tiến độ thực hiện thu ngân sách, hoạt động chi ngân sách trên địa bàn lại đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) lũy kế 8 tháng năm 2021, ước thực hiện 53.921 tỷ đồng, mới đạt 40,3% dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với chi cân đối ngân sách địa phương, ước thực hiện 52.019 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, chiếm 96,5% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 26,5% so với cùng kỳ 2020.

Cụ thể, chi cho đầu tư phát triển đạt 32,9% dự toán,chiếm 45,9% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 43,1% so với cùng kỳ. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay và chỉ còn 4 tháng nữa kết thúc năm, nhiều khả năng TP.HCM khó hoàn thành dự toán cho khoản chi này trong năm nay.

Đối với khoản chi thường xuyên, trong 8 tháng TP.HCM ước thực hiện 26.959 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán, chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện là 8.475 tỷ đồng, chiếm 49,4% dự toán và tăng 12,8%; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 738 tỷ đồng, chiếm 71,8% dự toán và giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, do dịch COVID-19 kéo dài nên các khoản chi cho sự nghiệp y tế được giải ngân nhanh hơn. Trong 8 tháng năm 2021, chi cho sự nghiệp y tế ước thực hiện 2.375 tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán và tăng 75,4%.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan