CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trì trệ'

Invest Global 09:30 04/07/2020

'Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trì trệ'

THẮN

 

Nhàđầutư
"Lần này Chính phủ, Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác đang thiếu vốn. Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Kết luận hội nghị "Chính phủ với địa phương", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có 43 kiến nghị trực tiếp tại hội nghị, 311 kiến nghị gửi bằng văn bản và giao Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ với tinh thần tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tăng trưởng của Việt Nam đứng đầu thế giới

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, cần làm ngay, làm càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, "một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa".

Điểm lại các kết quả nổi bật, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một là Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, giải quyết tốt mục tiêu kép về cả kinh tế và chống dịch. Theo ông, đây là thành công khiến cho niềm tin của nhân dân tăng, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Hai là tăng trưởng của Việt Nam dù thấp vẫn cao nhất khu vực châu Á và đứng đầu thế giới vì các nước tăng trưởng âm.

Ba là bộ, ngành, địa phương có rất nhiều cố gắng, nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh và bộ trưởng làm việc ngày đêm.

thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. Ông yêu cầu phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội. Từ đó, Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ KH&ĐT có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%. "Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình", Thủ tướng nói.

Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.

"Thủ tướng nói chủ trương 1 thì Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải có biện pháp 10"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương, phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ. Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020.

"Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn. Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng các Bí thư, Chủ tịch tự hỏi vì sao giải ngân chậm, khâu nào, do cái gì để làm cho được, muốn thành công thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm sự chậm chạp, ù lì, virus trì trệ, đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

cuoc-hop

Toàn cảnh hội nghị "Chính phủ với địa phương". Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Về tiền tệ và tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.

Về tài khóa, Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…

Bảo hiểm xã hội nghiên cứu báo cáo cấp thẩm quyền về việc tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tạm dừng hoặc miễn đóng BHXH. Công đoàn nên xem xét miễn, giảm phí công đoàn 2% trong năm nay.

Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, người đứng đầu Chính phr đề nghị Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phải nghe xem doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể trên địa bàn của mình khó khăn như thế nào để mà tháo gỡ, tạo điều kiện. "Chứ còn chúng ta chỉ nghe chung mà không nghe xử lý cụ thể thì khó có thể tạo ra môi trường đầu tư", ông chỉ rõ.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi đề nghị các Bộ trưởng, các Bí thư, các Chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Nguồn: Báo Nhà Đầu tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan