CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thu xếp tín dụng - báo động đỏ cho Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Invest Global 08:19 26/08/2021

Còn chưa đầy 3 tháng nữa để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thu xếp xong khoản tín dụng trị giá hơn 4.000 tỷ đồng nếu không muốn bị “văng” khỏi Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.

Đồ họa: Thanh Juyền

Nút thắt tín dụng

“Cho đến thời điểm này, quá trình đàm phán ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho khoản vay hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư vào Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt) vẫn chưa thể kết thúc, dù nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rất cố gắng”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng - doanh nghiệp dự  án thông tin.

Được biết, trong quá trình đàm phán, BIDV đã yêu cầu doanh nghiệp dự án trao đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vào hợp đồng dự án như là một điều kiện tiên quyết để giải ngân tín dụng.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5790/VPCP-KTTH gửi Ngân hàng Nhà nước; các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về xử lý vướng mắc triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tại công văn này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, việc cấp tín dụng, cho vay đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật hiện hành. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối với Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để thống nhất khả năng bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay đối với các dự án theo đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị của Bộ GTVT, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý, hướng dẫn việc huy động vốn để thực hiện các dự án.


Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, yêu cầu trên của đơn vị tài trợ vốn nằm ngoài thẩm quyền của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, cũng như các điều khoản của hợp đồng dự án đã được ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Được biết, hợp đồng dự án được ký ngày 13/5/2021 giữa Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư do Công ty TNHH Hòa Hiệp đứng đầu có quy định, ngoài phần vốn hỗ trợ của Nhà nước hơn 6.067 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ phải huy động 5.090 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Ngoài phần vốn chủ sở hữu chiếm 20% nguồn vốn BOT (tương đương 1.023 tỷ đồng), nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án sẽ phải ký được hợp đồng tín dụng cho phần vốn BOT, tương đương 4.067 tỷ đồng trong vòng 6 tháng kể từ khi hợp đồng BOT được ký kết.

Hiện nay, áp lực đối với nhà đầu tư Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là rất lớn, bởi ngoài việc bị tuột công trình đã được ký hợp đồng và thực hiện các nghi thức khởi công vào ngày 22/5/2021, nhà đầu tư còn bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu bảo lãnh hợp đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, với trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn đang rốt ráo cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt làm việc với ngân hàng để có thể thu xếp xong tín dụng trước thời hạn chót là ngày 13/11/2021.

Trước đó, đầu tháng 8/2021, Bộ GTVT đã có Công văn số 7787/BGTVT - ĐTCT gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo phương thức PPP. Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm có báo cáo việc huy động tín dụng từ các tổ chức ngân hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thu xếp tài chính cho các dự án, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc với BIDV (ngân hàng quan tâm, cung cấp cam kết cho các nhà đầu tư vay tín dụng) và các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án. Trong buổi làm việc diễn ra vào giữa tháng 7/2021, đại diện BIDV tái khẳng định, sẽ chỉ xem xét cung cấp tín dụng cho các dự án khi trong hợp đồng dự án có điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

“Việc đưa nội dung chia sẻ doanh thu vào hợp đồng các dự án là không phù hợp với quy định pháp luật (Điều 101, Luật Đầu tư theo phương thức PPP) cũng như các quy định của hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu”, Công văn số 7787 do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký cho biết.

Bên cạnh đó, để 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai theo hình thức PPP có thể áp dụng điều khoản chia sẻ tăng, giảm doanh thu, cần phải được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư, tương ứng với điều chỉnh Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tìm kênh dẫn vốn mới

Theo Bộ GTVT, toàn bộ quá trình triển khai 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo bao gồm các bước: phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đều thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, Nghị định 63/NĐ-CP ngày 4/5/2018, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020, Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn có liên quan.

Do các quy định pháp luật thời điểm này chưa quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đối với các dự án PPP, nên trong chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đều không có cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu.

Sau khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị tiền thầu (trong các ngày 6/8/2020 và 15/9/2020) với đại diện các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư quan tâm đến dự án.

Trong các hội thảo này, Bộ GTVT đã liên tục nhấn mạnh, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức PPP không thuộc diện được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP sắp có hiệu lực. Ngoài ra, trong hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu cả 3 dự án đều yêu cầu phải có thư cam kết cung cấp tín dụng của các tổ chức ngân hàng.

“Thư cam kết cung cấp tín dụng là điều kiện tiên quyết để xác định tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu và quyết định kết quả đấu thầu (có nhiều nhà đầu tư bị loại do không đáp ứng được yêu cầu này). Đồng thời, chúng tôi nhiều lần yêu cầu các ngân hàng nghiên cứu kỹ nội dung hồ sơ mời thầu trong quá trình cung cấp các cam kết cung cấp tín dụng cho các dự án”, ông Lê Đình Thọ cho biết.

Trên thực tế, nhà đầu tư trúng thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức PPP, bao gồm cả đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đều được các ngân hàng cung cấp cam kết cung cấp tín dụng theo đúng mẫu quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển và hồ sơ mời thầu của dự án. Do đó, việc BIDV đề xuất đưa điều khoản chia sẻ tăng, giảm doanh thu vào hợp đồng dự án đã được ký là điều bất ngờ đối với doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư, cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc thực hiện cam kết cung cấp tín dụng cho các dự án; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ GTVT, các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, tạo mọi điều kiện để ưu tiên cung cấp nguồn vốn tín dụng cho các dự án”, Công văn số 7787 của Bộ GTVT nêu rõ.

Ở chiều ngược lại, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho rằng, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP đường cao tốc quy mô lớn gặp khó khăn là điều đã được cảnh báo từ trước. Do các dự án cao tốc Bắc - Nam có thời gian hoàn vốn kéo dài, những vướng mắc tại các dự án BOT đường bộ chậm được xử lý dứt điểm đã khiến các ngân hàng đặc biệt thận trọng với các dự án PPP giao thông, nên việc đưa thêm những quy định cao hơn hồ sơ mời thầu là điều có thể hiểu được.

“Vấn đề lúc này là các nhà đầu tư cần phải chủ động có phương thức huy động vốn khác như phát hành trái phiếu công trình để tránh lệ thuộc quá nặng nề vào vốn tín dụng, có thể gây đổ vỡ dự án”, ông Chủng khuyến nghị.

Hiện tại Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng Đèo Cả - Công ty Đầu tư xây dựng 194 đã tìm được cách đi riêng khi không dùng đến đồng vốn vay nào từ phía các ngân hàng. “Ngay từ khi bắt đầu tham gia đấu thầu, chúng tôi xác định không thể trông chờ vốn vay của các ngân hàng thương mại, thay vào đó sẽ huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Theo ông Thế, Tập đoàn Đèo Cả đang lập hồ sơ để phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với giá trị khoảng 2.700 tỷ đồng. “Dự kiến việc phát hành trái phiếu sẽ chia làm nhiều đợt trong thời gian 3 năm theo tiến độ xây dựng của Dự án. Trong đó, đợt 1 sẽ phát hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021 với khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến, trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 3- 5 năm, mức lãi suất khoảng 12%/năm”, ông Thế chia sẻ.
 THEO BÁO ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan