CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ rõ: “Doanh nghiệp và người dân đều mong muốn gói kích thích mới. Nhiều đại biểu muốn nâng bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ gói kia. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta đang có chưa tiêu được thì tiêu mới cái gì. Phải đặt câu hỏi năng lực hấp thụ vốn ra sao”...
Chiều 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. . Ảnh: Quôchoi.vn
Chiều 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chủ đề về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhận được nhiều ý kiến chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội.
GÓI KÍCH THÍCH QUY MÔ LỚN, BẤT CHẤP KỶ LUẬT KỶ CƯƠNG NGÂN SÁCH
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) về kinh nghiệm gói hỗ trợ quốc tế, làm rõ mục tiêu, đối tượng, phạm vi chương trình phục hồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi chất vấn
Đây là vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện đến nền kinh tế, đòi hỏi thực tiễn trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng thực hiện của đất nước.
"Đại dịch chưa từng có tiền lệ, tác động nặng nề đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Với các quốc gia trên thế giới, họ có những quyết sách nhanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Các nước khi tiêm phủ vaccine nhanh cùng các gói hỗ trợ, đều có tốc độ tăng trưởng và hồi phục nhanh của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư chỉ rõ, thứ nhất, gói hỗ trợ ở nhiều quốc gia có quy mô lớn chưa có tiền lệ, bất chấp kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Thứ hai, các quốc gia đều chấp nhận tăng trần nợ công, cũng như nợ Chính phủ, bội chi ngân sách.
Thứ ba, thống nhất nhanh, quyết định cũng rất nhanh, thực hiện rất dễ và làm ngay.
Dẫn chứng báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Mỹ rót 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP.
Tương tự, Trung Quốc 6,1%, nợ công tăng 9,7% điểm phần trăm, nợ công đến nay 66,8%. Thái Lan có gói tương ứng 15,6%, nợ công tăng thêm 9,4%, tổng là 50,5%. Malaysia 8,8% GDP, nợ công tăng 8,2 điểm phần trăm, nợ công đẩy lên 52%.
Về chính sách tài khoá, các quốc gia đều tăng chi y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp. Với phương thức cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội. Tiếp đến, miễn giảm thuế phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ dòng tiền cho một số doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, chú trọng đầu tư cho hạ tầng. Riêng Mỹ, rót nguồn ngân sách rất lớn 1.200 tỷ USD đầu tư hạ tầng, vừa phục hồi, vừa kích thích tăng trưởng trong dài hạn.
Về chính sách tiền tệ, các quốc gia cơ bản duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi, miễn giảm thuế, chi trả cổ tức bằng tiền…
NỀN KINH TẾ THIẾU VỐN NHƯNG TIỀN VẪN "CẤT KÉT"
Sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, tình hình thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho rằng, thứ nhất, quy mô gói phục hồi phải đủ lớn.
Thứ hai, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba, hỗ trợ cả phía cung và phía cầu.
Thứ tư, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế… Cần thực hiện gắn kết lồng ghép vào chương trình này.
Thứ năm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ, phối hợp đồng thời.
Về đối tượng hỗ trợ, người dân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngành kinh tế, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, chú trọng những ngành có tiềm năng, khả năng phục hồi nhanh và tạo thành động lực lan tỏa trong nền kinh tế, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Về phạm vi, sẽ hỗ trợ trên cả nước nhưng sẽ có trọng tâm trọng điểm.
Về thời gian thực hiện, dự tính nếu được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng cho biết chương trình sẽ thực hiện trong hai năm 2022 - 2023. Nếu được thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay, sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi nhanh và phát triển nhanh, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.
"Nếu được Quốc hội thông qua, bội chi sẽ tăng 1%, nhưng có thể kiểm soát được nếu kinh tế phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên, GDP lớn lên, sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu, vừa phát triển kinh tế, phát triển việc làm, các chỉ số nợ công, bội chi sẽ giảm đi, không còn tác động lớn đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bình luận về đề xuất có gói kích thích kinh tế mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắng thắn chỉ rõ, 16.000 tỷ đồng cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hiện vẫn nằm im, chưa phân bổ được đồng nào; 56.000 tỷ phân cho các địa phương cũng chưa phân bổ được.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung làm việc.
“Nếu không làm rõ chuyện này, Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, tình hình vẫn như vậy. Trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ, tình hình kiểm tra, giám sát từng nguyên nhân, vướng mắc, sẽ giải quyết thế nào, chứ không thể nói chung chung. Không thể để tình hình này kéo dài mãi trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ví như tổng tham mưu về kinh tế của đất nước.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần giải đáp thực trạng nền kinh tế hiện nay ra sao, xu hướng và bối cảnh trong nước và quốc tế, kế sách nào xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.
Đồng thời, chỉ rõ vai trò của đầu tư công, nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm, định hướng tháo gỡ đầu tư công, kích thích phát triển kinh tế thời gian tới đây.
Tiếp thu những ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ 5 giải pháp chính để hỗ trợ nền kinh tế vực dậy trong và sau đại dịch.
Một là, tập trung mở cửa nền kinh tế, gắn với phòng chống dịch, thực hiện Nghị quyết 128 một cách chắc chắn, an toàn, có lộ trình, phù hợp với chiến lược phòng chống dịch và khả năng tiêm chủng và thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.
Hai là, tập trung vào hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm. Hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động. Kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ba là, vừa qua, doanh nghiệp bị tổn thương nhiều, sức chống chịu bào mòn, đặc biệt một số lĩnh vực tác động nặng nề, mạnh mẽ.
Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất cho phép kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí phải đóng phải nộp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên. Ngoài ra, cần có chính sách riêng đối với một số ngành, lĩnh vực như chế biến nông, Lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số.
Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP. Đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm quốc gia, mang tính động lực lớn, lan tỏa, kết nối, phát triển bền vững. Chú trọng an ninh hồ nước, đê kè, chống sạt lở bờ sông, bờ biển ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm là, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, chính sách quản trị rủi ro, kinh tế vĩ mô và đảm bảo cân đối lớn.
Nguồn https://vneconomy.vn/tien-chua-tieu-het-sao-de-xuat-vay-moi-nang-tran-no-cong.htm