CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiếp tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tin nhắn ngân hàng

Invest Global 11:43 27/12/2021

(KTSG Online) – Dù cảnh báo đã lâu nhưng cho đến nay, hiện tượng lừa đảo thông qua tin nhắn mạo danh thương hiệu (SMS Brandname) vẫn đang nở rộ. Tình trạng lừa đảo sẽ còn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết Nguyên đán nên người tiêu dùng cần phải thận trọng trước thủ đoạn này.

Mới đây, Ngân hàng VPBank tiếp tục phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo thông qua tin nhắn (SMS) mang tên ngân hàng, qua việc lợi dụng kẽ hở của đơn vị cung cấp dịch vụ tin nhắn viễn thông. Theo đó, tin nhắn của đối tượng lừa đảo nằm lọt vào trong nhóm tin nhắn mang thương hiệu ngân hàng, dẫn đến việc nhiều khách hàng bất ngờ, có người cẩn thận gọi lên tổng đài để kiểm tra thêm lần nữa, nhưng cũng có người tin tưởng làm theo.

Nội dung tin nhắn lừa đảo sẽ giả lập tình huống, chẳng hạn như “tài khoản vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với mức phí 2,8 triệu sẽ bị trừ trong 2 giờ”, tài khoản đang tiêu dùng ở nước ngoài, tài khoản bị khóa, tài khoản đăng nhập bất thường, xác nhận thông tin,… Sau đó sẽ có đường link để người tiêu dùng bấm vào, nhiều người đã tin tưởng làm theo và mất tiền.

VPBank khẳng định những tin nhắn có nội dung thông báo về những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không đăng ký đều là tin nhắn giả mạo, nhằm mục đích lừa khách hàng bấm vào link đính kèm tin nhắn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. “VPBank đang khẩn trương làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi giả mạo này”, đại diện ngân hàng cho biết.

Nhiều khách hàng chia sẻ tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội của VPBank sau khi ngân hàng phát cảnh báo.

Trên thực tế, không chỉ có VPBank mà rất nhiều ngân hàng khác như ACB, TPBank hay SHB, Vietcombank… đều gặp trường hợp tương tự.

Hồi tháng 8, trong công văn gửi các nhà mạng viễn thông, một nội dung quan trọng mà Hiệp hội Ngân hàng nhắc đến là “tố” nhà mạng không hợp tác trong chuyện xử lý hiện tượng lừa đảo dưới hình thức tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname).

“Sự việc rủi ro này qua rất nhiều tháng đến nay nhưng các nhà mạng vẫn không thông báo rõ ràng về nguyên nhân, cũng như chưa phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để xử lý sự việc đến cùng, gây hoang mang cho rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ”, văn bản của hiệp hội có đoạn khi đó.

Như vậy cho đến nay, tình trạng tin nhắn lừa đảo lọt vào trong tin nhắn thương hiệu ngân hàng vẫn đang diễn ra. Đặc biệt trong dịp lễ, Tết Nguyên đán sắp tới, tình trạng lừa đảo sẽ còn diễn ra nhiều hơn nên người tiêu dùng cần đặc biệt thận trọng, không chỉ là tin nhắn của ngân hàng mà còn trên nhiều kênh khác như email, website, các ứng dụng mạng xã hội.

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Trước khi liên hệ khách hàng phải kiểm tra lại số tổng đài hay địa chỉ các website của các ngân hàng cho chính xác.

Hiện các tổ chức tín dụng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm), thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, thông tin lịch trả tiền vay/sao kê, thông tin gửi mã OTP (One-Time-Password) cho các giao dịch tài chính khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking,… Tin nhắn phát sinh ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan